Tăng cường quản lý các hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường

05/09/2013 00:00

Những năm gần đây, hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp gia tăng, bên cạnh mặt tích cực đã gây không ít hệ lụy tới công tác bảo vệ môi trường...

(TN&MT) - Những năm gần đây, hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp gia tăng, bên cạnh mặt tích cực đã gây không ít hệ lụy tới công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động và lãng phí tài nguyên… 
   
  Giải pháp nào để công tác khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường được thực thi đúng  pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững? Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhằm nhìn rõ thực trạng này và tìm ra chìa khóa giải quyết.
   
Thưa ông, qua tham gia hoạt động giám sát hoạt động khai thác, chếbiến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai khoáng, ông có nhận xét gì về việc thực thi pháp luật ở đây? 
   
 TS. Võ Tuân Nhân: Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN &MT) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì giám sát việc thực hiện  sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
   
   
  Qua giám sát cho thấy, việc thực thi pháp luật về khoáng sản của nhiều doanh nghiệp (DN) cơ bản nghiêm túc, nhất là các DN có quy mô sản xuất lớn. Nghĩa vụ hỗ trợ nhân dân địa phương, nơi có khoáng sản được một số DN quan tâm như: tiếp nhận, đào tạo lao động, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.... Công tác lập, trình duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc xác nhận Bản cam kết BVMT đã được các DN thực hiện khá tốt, nhất là đối với các dự án lớn. Nghĩa vụ nộp phí BVMT và nộp tiền ký quỹ các dự án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản cũng đã được các DN quan tâm. Ý thức tuân thủ pháp luật về BVMT trong khai thác khoáng sản của các tổ chức cá nhân được nâng lên. Các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp lớn đã ứng dụng công nghệ khai thác khoáng sản tiên tiến để đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, tại các DN khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ, công nghệ khai thác khoáng sản còn lạc hậu, chưa được quan tâm đúng mức. Một số nơi đã xảy ra tai nạn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, lãng phí tài nguyên, vi phạm về môi trường.
   
  Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, riêng tai nạn lao động trong khai thác khoáng sản trong những năm gần đây  chiếm tỷ lệ cao, khoảng trên dưới 20% tổng số vụ tai nạn lao động và có hàng ngàn người bị bệnh nghề nghiệp.
   
  Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết: trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về BVMT. Từ năm 2007 đến tháng 7/2012, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện xử lý 4.142 vụ. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỷ đồng. Công tác đầu tư cho việc chế biến sâu khoáng sản chưa được chú trọng; xuất khẩu khoáng sản vẫn còn ở dạng nguyên liệu thô, tổn thất tài nguyên khoáng sản còn rất lớn. Số lượng các dự án chế biến sâu khoáng sản chưa nhiều, trình độ công nghệ chế biến chưa cao; hệ số thu hồi khoáng sản thấp, chưa thu hồi triệt để một số khoáng sản quý đi kèm với khoáng sản chính. Sản phẩm khai thác chế biến khoáng sản phần lớn mới dừng lại ở sản phẩm tinh quặng, nguyên liệu thô. Đến nay, chế biến sâu mới chỉ thực hiện được đối với một số loại khoáng sản như thiếc, kẽm, đồng, sắt, antimon.
   
Theo ông đâu là nguyên nhân của những hạn chế và yếu kém trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT?
   
TS. Võ Tuân Nhân:  Hoạt động khoáng sản thường được triển khai ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn về địa lý, giao thông liên lạc; trên nhiều địa bàn và liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực làm cho công tác quản lý, đầu tư, ứng dụng công nghệ khai thác, chế biến gặp nhiều khó khăn. Tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú nhưng không tập trung, thường phân tán nhỏ lẻ, các khoáng sản có giá trị kinh tế cao rất ít.
   
  Công tác xây dựng, ban hành các VBQPPL về khoáng sản và BVMT còn bất cập; một số văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Việc hướng dẫn thi hành Luật chậm. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; trình độ, năng lực, quản lý của cán bộ còn yếu, thiếu cơ chế gắn kết, lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương. Chất lượng quy hoạch còn hạn chế, chưa gắn với nguồn lực thực hiện, thiếu tính đồng bộ, bao quát và tầm nhìn dài hạn, dẫn tới nhiều quy hoạch bị điều chỉnh thường xuyên, quản lý tổ chức thực hiện quy hoạch vẫn là khâu yếu.
   
  Ở một số địa phương nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác BVMT và quản lý khoáng sản chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa thực sự sâu rộng đến doanh nghiệp, người dân.
   
  Tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả và ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều dự án khai thác khoáng sản do công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án thiếu cơ sở, chưa tính đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường; vốn đầu tư lớn, thời gian dự án kéo dài, thủ tục hành chính phiền hà.
  Việc phân cấp mạnh về quản lý, khai thác khoáng sản chưa gắn chặt chẽ với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện, đề cao trách nhiệm của cơ quan cấp phép và chế tài xử lý các vi phạm đã khiến cho tình trạng cấp phép tràn lan, gây thất thoát tài nguyên.
   
  Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, BVMT chưa thường xuyên, chậm phát hiện vi phạm và xử lý không kịp thời, chưa nghiêm.
   
Từ những nhận xét trên, năm 2013 các cơ quan quản lý nhà nước cần  tập trung thực hiện những nội dung gì nhằm tăng cường việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, thưa ông?
   
TS. Võ Tuấn Nhân: Nội dung Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu: Nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, từ nay đến cuối năm 2013, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ sau:
   
  Khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản. Rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường liên quan đến khai thác và chế biến khoáng sản còn hiệu lực để sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những văn bản không còn phù hợp với quy định của pháp luật. Chỉ đạo xử lý dứt điểm các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài đã được xác định trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.
   
  Các nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung là: Hoàn thiện cơ chế quản lý thăm dò, khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản, thuế, phí về khoáng sản; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo, sử dụng lao động của địa phương nơi có khai thác khoáng sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thăm dò, khai thác khoáng sản đối với một số loại khoáng sản chủ yếu. Cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại để thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác và chế biến khoáng sản; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải trong hoạt động khoáng sản.
   
  Ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; sớm điều tra, đánh giá một số loại khoáng sản có ý nghĩa quan trọng; thực hiện lập bản đồ địa chất về khoáng sản tại thềm lục địa, vùng biển của Việt Nam; đầu tư thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ điều tra, đánh giá khoáng sản. Chấn chỉnh công tác cấp phép hoạt động khoáng sản. Chỉ đạo công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản một cách chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm khách quan, minh bạch; có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tránh lợi dụng khe hở của pháp luật.
   
  Tăng cường hiệu quả công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác nhận hậu kiểm đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm quy định ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản.
   
   Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và xuất khẩu lậu khoáng sản.
   
   Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn hoặc hủy bỏ văn bản đã ban hành trái quy định của pháp luật theo thẩm quyền; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường.
   
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Thu Nga (thực hiện)
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý các hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO