Tăng cường kiểm tra, xử lý môi trường sau bão lũ tại Thừa Thiên Huế

Văn Dinh| 09/12/2020 13:58

(TN&MT) - Sau các đợt mưa bão liên tiếp, nhiều địa phương, cơ quan đơn vị tại Thừa Thiên Huế đã triển khai vệ sinh, xử lý ô nhiễm môi trường, từng bước khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo đó, Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã phân phối kịp thời đến các đơn vị trực thuộc số hàng hóa tiếp nhận từ Bộ Y tế hỗ trợ gồm: Chloramine B 500 kg, Viên khử khuẩn Aquatabs 1.25.000 viên, Khẩu trang M12 100.000 cái, Bộ trang phục phòng chống dịch 7 khoản 300 bộ, Áo phao 300 cái, phao cứu sinh 90 cái, bè cứu sinh 10 cái.

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp ChloraminB và Aquatals khử khuẩn nguồn nước cho người dân tại các vùng bị ngập lụt và chỉ đạo đơn vị y tế các huyện, xã hướng dẫn người dân thực hiện khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường đúng cách ngay sau khi nước lũ rút. Triển khai rà soát hóa chất, vật tư phòng chống dịch đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất để đáp ứng hoạt động phòng, chống dịch khi có bệnh dịch xảy ra.

Công tác vệ sinh môi trường sau mưa lũ được triển khai tích cực

Về công tác kiểm tra, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão lũ, Sở Y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng nguồn nước ngay từ khi nước rút với phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó để hạn chế tới mức tối đa nguy cơ lay lan dịch bệnh.

Toàn thể công chức, viên chức và người lao động tất cả các đơn vị trong toàn ngành y tế đã tổ chức ra quân tổng vệ sinh dọn dẹp cây xanh, khắc phục hậu quả các cơn bão và thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh” ra quân vệ sinh môi trường. Sau đợt ra quân, tổng số cán bộ tham gia 2.401 người và tổng số các đơn vị được tổng dọn vệ sinh là 176 đơn vị.

Chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và đảm bảo nước sạch cho sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Ngày 16/10, Sở Y tế đã tham gia cùng 2 đoàn công tác của Bộ Y tế, về kiểm tra công tác xử lý và khắc phục lũ lụt tại thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền. Ngày 21/10/2020, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra giám sát, hỗ trợ khắc phục, xử lý môi trường sau lũ lụt tại huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền.

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp cùng với đoàn công tác của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích hoạt và ăn uống, lấy mẫu nước tại các nhà máy nước sạch Xuân Lộc và nhà máy nước sạch Nam Đông. Đồng thời tiến hành tổ chức ngoại kiểm, giám sát chất lượng nước tại các nhà máy nước sạch trên địa bàn tỉnh.

Dọn dẹp rác thải ứ đọng

Từ ngày 2/11 đến 3/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tham gia cùng với Đoàn công tác Bộ Y tế xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sau mưa, lũ tại huyện Quảng Điền và kiểm tra tình hình vệ sinh môi trường dịch bệnh, kế hoạch công tác thực hiện việc xử lý vệ sinh môi trường tại xã Quãng Thọ. Hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ y tế, người dân tại địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống suy dinh dưỡng sau mùa mưa lũ.

Ngày 9/11, Sở Y tế thành lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát tình hình sốt xuất huyết và hoạt động xử lý vệ sinh môi trường sau lũ lụt tại các hộ gia đình, khu dân cư thuộc phường Trường An, TP. Huế và thị trấn Sịa, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ và phòng chống dịch bệnh bằng các hình thức truyền thông trực tiếp và thông qua phương tiện truyền thông đại chúng.

Cũng theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, hiện nay tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, xảy ra rải rác ở các địa phương. Việc xử lý hoá chất diện rộng hoặc ổ dịch nhỏ chỉ có ý nghĩa tạm thời, trong khi ý thức tự giác của người dân trong việc thau vét bọ gậy, loại bỏ các vật phế thải chứa nước một cách thường xuyên để phòng chống sốt xuất huyết còn thấp. Sở Y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch ổ, kiểm tra thường xuyên chỉ số bọ gậy, chỉ số muỗi, tiêu đọc, khử trùng, vệ sinh môi trường, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông...

Theo tinh thần phát động ra quân của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc xử lý môi trường, khắc phục hậu quả bão lũ không chỉ tập trung vào “Ngày Chủ nhật xanh” mà tiến hành cả “tuần xanh”, “tháng xanh”... để sớm khôi phục lại cảnh quan, môi trường, góp phần ổn định sinh hoạt, đời sống người dân sau thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm tra, xử lý môi trường sau bão lũ tại Thừa Thiên Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO