Tăng cường đầu tư hạ tầng cho những khu vực sạt lở nghiêm trọng

02/11/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 2/11 trong số 47đại biểu đăng ký phát biểu ở hội trường thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, nhiều đại biểu đã phát biểu, đề xuất với Quốc hội và Chính phủ những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn Nhân (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) phát biểu tại Hội trường Quốc hội sáng 02/11. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn Nhân (Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 02/11. Ảnh: quochoi.vn

Càng ngày càng sạt lở rất nghiêm trọng

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho biết: vấn đề sạt lở biển đã và đang diễn ra nghiêm trọng, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nhiều nơi chưa có đê và bờ kè. Hàng năm nước biển ngập sâu vào vùng canh tác nước ngọt, đất rừng ven biển đã và đang bị sạt lở và trôi theo nước biển, ngày càng nhiều đối với những nơi chưa có đê kè.

Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, chỉ tính riêng Cà Mau, với chiều dài bờ biển là 254 km, trong đó có tới 107 km bờ biển Đông gần như chưa được đầu tư về đê biển. Theo khảo sát gần đây tính từ năm 2007 đến nay thì trung bình mỗi năm ven biển của Cà Mau sạt lở vào khoảng hơn 10 mét, tính riêng Cà Mau trung bình mỗi năm từ năm 2007 đến nay cứ mỗi năm mất đi hơn 250 ha đất và rừng.

“Những ngày gần đây chúng ta thấy càng ngày càng sạt lở rất nghiêm trọng, trong đó có hơn 40km ở bờ biển hiện đang diễn ra sạt lở nguy hiểm, trong đó có 6 điểm là có 23km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhiều điểm đã sạt lở đến chân đê và rừng phòng hộ rất thưa, trầm trọng hơn là sẽ sạt lở vào trong hàng ngày, theo ước tính của báo cáo gần nhất năm vừa rồi sạt lở gần 300 ha đất rừng trôi ra biển. Kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, trung ương quan tâm, có giải pháp cụ thể thực hiện các khu vực đang sạt lở nói chung, trong đó có Cà Mau” - đại biểu Trương Minh Hoàng kiến nghị.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều khu vực ven biển ở nước ta bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TL
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều khu vực ven biển ở nước ta nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TL

Cần tăng đầu tư hạ tầng cho khu vực sạt lở

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) phân tích: Không còn nghi ngờ gì khi thế giới, các nhà khoa học đã công bố Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu toàn cầu gây nên. Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với hơn 17 triệu dân, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa để bảo đảm an ninh lương thực và tham gia xuất khẩu. Nhiều nông sản có giá trị về lượng, cũng như về chất được tạo nên ở địa bàn này. Nhưng có nghịch lý là hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, chậm phát triển vì dân trí chúng ta thường nói đây là vùng lõm, vùng trũng, thu nhập, đời sống nhân dân còn khó khăn, sản xuất còn phụ thuộc vào thiên nhiên.

“Nhất là lưu vực sông Mê Kông, hiện tượng ngập mặn, khô hạn, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường đang là mối đe doạn đối với sản xuất và đời sống cả trước mắt và lâu dài đối với trên 17 triệu dân trong vùng mà đại biểu Trương Minh Hoàng đã báo cáo vùng sạt lở đất ở Cà Mau, chúng tôi thấy rất lo lắng” - đại biểu Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.

Để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long sắp tới, đại biểu Nguyễn Thanh Bình đề nghị: “Cần tăng đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội hơn nữa cho khu vực, nhất là giao thông, thủy lợi để chống sạt lở, ngập mặn, khô hạn, bảo đảm tốt hơn cho sản xuất và đời sống bền vững của nhân dân. Phải có cơ chế phù hợp để chỉ đạo điều hành, liên kết vùng và quản lý khu vực sông một cách chặt chẽ, đặc biệt là các tỉnh thuộc lưu vực sông Mê Kông…”.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Bình, trong thực tế, vừa qua việc khai thác khoáng sản, khai thác cát nhiều tỉnh chưa có hợp đồng chặt chẽ vấn đề này. Ví dụ, khai thác cát thì Vĩnh Long làm mạnh quá thì xuống Trà Vinh, Cần thơ làm mạnh quá lại xuống Vĩnh Long. Khu vực khai thác và giờ giấc cũng khác nhau, nên từ đó cũng có một hướng để quản lý, điều hành làm sao để chống biến đổi khí hậu và quản lý lưu vực sông chặt chẽ hơn. Có cơ chế chính sách đột phá để tập trung đào tạo nguồn lực để làm cơ sở nền tảng cho sự phát triển bền vững của vùng như tăng chỉ tiêu đào tạo, tổng hợp về chuyên ngành, đầu tư cho dạy nghề, thu hút cán bộ giỏi kỹ thuật cao để khai thác những lợi thế của vùng và khắc phục những bất lợi của thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra. Do thời gian có hạn tôi xin nêu một số vấn đề mà cử tri mong đợi.

Cần tiếp tục tranh thủ nguồn lực quốc tế

Ở góc độ khác, đại biểu Võ Tuấn Nhân (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho chúng ta cái nhìn khái quát: Năm 2015 còn có nhiều hoạt động tổng kết quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường, đó là Hội nghị toàn quốc về bảo vệ môi trường, Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN diễn ra tại Hà Nội, sắp tới Việt Nam sẽ tham gia COP12 tại Pari trong tháng 12 tới. Chúng ta đã thành lập Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và triển khai nhiều chủ trương quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều nguồn lực quốc tế và thu hút được khoảng 1,4 tỷ đô la để triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước. Nước ta là một trong những nước có nguy cơ bị tác động xấu bởi biến đổi khí hậu. “Theo tôi, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các chỉ tiêu bảo vệ môi trường, chỉ tiêu tăng trưởng xanh một cách toàn diện để đưa vào kế hoạch hàng năm và 5 năm như chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm thải khí nhà kính…” - đại biểu Võ Tuấn Nhân đề xuất.

Hải Ngọc - Châu Tuấn (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đầu tư hạ tầng cho những khu vực sạt lở nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO