Tăng cường cơ sở vật chất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36/NQ-TƯ

Kim Liên| 24/10/2019 15:12

(TN&MT) - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, Bộ, ngành về Đề án Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Phạm Thu Hằng, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Tổng cục cùng với các Chi cục/Phòng Biển và Hải đảo ở các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã được thành lập và bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả. Tuy vậy, năng lực cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang tiết bị và phương tiện phục vụ công tác quản lý tổng hợp, điều tra cơ bản và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đảo còn nhiều yếu kém và có nhiều hạn chế, còn thấp thua xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặc dù, kinh tế biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp và hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển, đảo trên cả nước còn khiêm tốn.

Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 09-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong các mục tiêu cụ thể trong Chiến lược đến năm 2030 là “đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo; bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật”.

Trang thiết bị và phương tiện phục vụ kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đảo còn nhiều  hạn chế. Ảnh: MH

Nghị quyết cũng tiếp tục khẳng định tăng cường điều tra cơ bản là 1 trong 7 giải pháp chủ yếu để thực hiện thành công Nghị quyết và “hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển”, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là “kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; tăng cường năng lực cho Bộ TN&MT thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo”.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và đặc biệt trong bối cảnh biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay, việc triển khai xây dựng và sớm phê duyệt Đề án tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 hết sức cấp bách, làm cơ sở quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phát và các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Thông qua các nội dung trình bày và thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ hiện trạng và nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quan trắc tài nguyên môi trường biển và hải đảo; cơ sở vật chất và trang tiết bị phục vụ điều tra cơ bản, đặc biệt là trang thiết bị điều tra vùng biển sâu, biển xa, điều tra tài nguyên mới…; cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, nhất là nhu cầu đầu tư Trung tâm Rác thải nhựa đại dương, các Phân Viện nghiên cứu biển và hải đảo,… để từ đó, cân nhắc đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện. Các bên liên quan đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và góp ý cho dự thảo Đề án Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tiếp thu đầy các ý kiến đóng góp, tham vấn của các đại biểu nhằm sớm hoàn thiện Đề án trình Chính phủ phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường cơ sở vật chất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36/NQ-TƯ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO