Tận thu hàng triệu mét khối cát, tiền vào túi ai?

28/03/2017 00:00

(TN&MT)- Năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình: Nạo vét sông Lạch Trường đoạn từ Cầu Tào Xuyên đến cửa Lạch Sung bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trong thiết kế kỹ thuật thì chất thải sau nạo vét (chủ yếu là cát) không được tận thu mà đổ vào bãi thải theo quy định. Thế nhưng đơn vị thi công đã sử dụng toàn bộ số cát này bán cho các công trình san lấp, giao thông gây thất thu cho ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng. 

Ngày 13/10/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3366/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án xây dựng công trình: Nạo vét sông Lạch Trường đoạn từ Cầu Tào Xuyên đến cửa Lạch Sung có chiều dài 29 km đi qua 2 huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa và TP. Thanh Hóa; khối lượng chất thải cần nạo vét khoảng hơn 2 triệu m3 cát, sỏi, bùn các loại; với tổng mức đầu tư hơn 765 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án không quá 5 năm. Chủ dự án là Sở Giao thông vận tải (do Ban QLDA giao thông 2 quản lý). Liên danh nhà thầu thi công gồm: Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty TNHH đầu tư xây dựng & thương mại Thành Nam và Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Miền Trung. 

Đến ngày 23/9/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa lại ban hành Quyết định số 3666/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh dự án ầu tư xây dựng công trình nạo vét sông Lạch Trường. Theo đó, tổng đầu dự án là hơn 828,6 tỷ đông ( tăng thêm 63,6 tỷ đồng), thời gian thực hiện không quá 6 năm ( 2012-2017).

Nhiều tàu thuyền đang bơm cát lên bãi H7 xã Hoằng Yến
Nhiều tàu thuyền đang bơm cát lên bãi H7 xã Hoằng Yến


Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử có mặt dọc theo tuyến tuyến sông Lạch Trường đoạn từ cầu Tào Xuyên (xã Hoằng Lý, TP. Thanh Hóa) đến cửa sông Lạch Trường ( xã Hải Lộc, Hậu Lộc và xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) chứng kiến cảnh hàng chục bãi tập kết chất thải sau nạo vét, những bãi tập kết này chủ yếu là cát đang được các xe ô tô vận chuyển đến chân các công trình san lấp tấp nập. tại bãi H1, bờ hữu, tiểu khu Yên Vực, TT. Tào Xuyên (TP. Thanh Hóa) và bãi T1A, bờ tả Hoằng Lý cách hạ lưu cầu Tào Xuyên khoảng 300 mét là của Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Miền Trung đang chứa một lượng cát rất lớn, lúc nào cũng có hàng chục xe chở đi các công trình xây dựng.

Tàu đang bơm cát lên bãi H6 xã Hoằng Yến
Tàu đang bơm cát lên bãi H6 xã Hoằng Yến

Xuôi xuống xã Hoằng Yến có 2 bãi tập kết của Công ty TNHH đầu tư xây dựng & thương mại Thành Nam là bãi H6 và bãi H7. Tại 2 bãi này cao vút hiện đang chứa một lượng cát khổng lồ khoảng 15- 20 nghìn m3. Nhiều người dân sống ngay cạnh 2 bãi tập kết cát này cho biết: Bãi tập kết cát này đã có ở đây khá lâu, từ khi có dự án nạo vét cửa sông Lạch Trường, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe ô tô loại HOWO vào lấy hàng, xe chở đổ đâu chúng tôi không biết, chỉ biết cả đống cát cao ngất ngưởng, to như thế nhưng xe chạy mấy ngày lại hết, rồi họ lại bơm lên, không biết nguồn cát ở đâu mà nhiều thế?. Trước đây bà con 2 xã Hoằng Yến, Hoằng Trường cần cát để tạo mặt bằng cho đồng nuôi tôm, nhà nào có nhu cầu mua cát từ dự án này họ đều bán, người dân sống quanh khu vực này khổ sở lắm chú ơi, tiếng ồn, bụi bặm gây ô nhiễm môi trường lắm.

Bãi cát rộng mênh mông tại xã Hoằng Yến nhưng lãnh đạo BQL giao thông nói không có cát?
Bãi cát rộng mênh mông tại xã Hoằng Yến nhưng lãnh đạo BQL giao thông nói không có cát?

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử, ông Lê Tuấn Dũng, Phó Ban QLDA giao thông II cho biết: Dự án xây dựng công trình: Nạo vét sông Lạch Trường đoạn từ Cầu Tào Xuyên đến cửa Lạch Sung có chiều dài 29 km đi qua 2 huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa và TP. Thanh Hóa; khối lượng chất thải cần nạo vét khoảng hơn 2 triệu m3 cát, sỏi, bùn các loại. Đây là dự án có nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, toàn bộ chất thải sau nạo vét không được tận thu mà được đưa về bãi thải theo quy định. Trước đây theo thiết kế thì toàn bộ dự án có 40 bãi chứa chất thải, khi dự án chuyển về Sở GTVT quản lý chúng tôi dà soát còn lại 20 bãi thải. Đến nay dự án sắp hoàn thành chỉ còn 9 bãi đang hoạt động dọc theo tuyến nạo vét. 

Khi Phóng viên hỏi: Nếu không được tận thu thì tại sao các bãi chứa thải, mà chủ yếu là cát lại được chở đi các công trình xây dựng, Ban QLDA giao thông II có kiểm soát nhà thầu xây dựng đổ thải hay không?. Thì ông Dũng cho hay: Chất thải sau nạo vét chủ yếu là bùn lộn với cát không tận dụng được, lượng chất thải đó chúng tôi không kiểm soát, họ muốn đổ đâu thì đổ, nhà thầu xây dựng chỉ có báo cáo bằng văn bản xác nhận đơn vị cho đổ thải để Ban nắm được

Câu hỏi được dư luận đặt ra: Một dự án hơn 828,6 tỷ đồng qua hai lần điều chỉnh mức đầu tư thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, không được tận thu nguồn chất thải sau nạo vét (chủ yếu là cát) nhưng không được Chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ, muốn đổ đâu thì đổ nên đã được nhà thầu xây dựng bán cho các công trình?. Vậy với khối lượng hơn 2 triệu m3 chất thải sau nạo vét thì chỉ lấy 50% khối lượng đó là cát, thì 1 triệu m3 cát đó lẽ nào nhà thầu lại đem đi đổ đâu thì đổ hay bán cho các công trình xây dựng?. Số tiền nhiều tỷ đồng từ tiền bán cát đó chảy vào túi ai?.

Bài & ảnh: Tuyết Trang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận thu hàng triệu mét khối cát, tiền vào túi ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO