Tán thành việc xây dựng sân bay Long Thành

04/06/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 4/6, Quốc hội đã nghe báo cáo dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành và thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng HKQT Long Thành.

Xây dựng Cảng HKQT Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế

Báo cáo đầu tư (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) về dự án Cảng HKQT Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng, cho biết, mục tiêu chung của dự án là đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành để khắc phục tình trạng quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo dự kiến từ năm 2017, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm do: quá tải công suất khai thác của đường CHC, sân đậu máy bay, nhà ga hành khách; hạn chế về vùng trời tiếp cận cất hạ cánh, hạ tầng giao thông tiếp cận.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành đáp ứng được mục tiêu thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước nói chung và khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và của tỉnh Đồng Nai nói riêng; nâng cao tỷ trọng khu vực dịch vụ từ đó tác động làm giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và khai khoáng trong tổng giá trị sản phẩm xã hội; tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế khác, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao trong khu vực...
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, theo Chính phủ, giá trị khái toán của dự án khoảng 15,8 tỷ USD, trong đó: giai đoạn 1 là 5,236 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng); giai đoạn 2 là 3,999 tỷ USD (tương đương khoảng 83.972 tỷ đồng); và giai đoạn 3 là 6,582 tỷ USD (tương đương khoảng 138.215 tỷ đồng). 

Như vậy, khái toán chi phí đầu tư giai đoạn 1 sau khi rà soát lại quy mô đầu tư và đơn giá khoảng 109.970 tỷ đồng - giảm 54.618 tỷ đồng so với khái toán tổng mức đầu tư đã trình trước đây, nhưng không làm thay đổi công nghệ, kỹ thuật chung của dự án. Lý do thay đổi là giảm các hạng mục đầu tư do chỉ đầu tư 1 đường hạ cất cánh giai đoạn 1 và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư; điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng... Dự kiến cơ cấu nguồn vốn như sau: vốn ngân sách nhà nước ước tính 12.149 tỷ đồng (dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước...); vốn ODA ước tính 29.177 tỷ đồng dành cho khu bay; vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước ước tính 68.644 tỷ đồng đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như: nhà ga, các công trình thương mại...  

Báo cáo thẩm tra dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, cho biết, phương án mở rộng, nâng cấp Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm khó khả thi vì: chi phí lớn cho thu hồi đất, đền bù, tái định cư, quá tốn kém so với phương án đầu tư xây dựng mới Cảng HKQT Long Thành; không thể khai thác được hết công suất do xung đột vùng trời với sân bay quân sự Biên Hòa; Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nằm trọn trong nội thị TPHCM, xung quanh Cảng hàng không có mật độ dân cư cao, do đó tiếng ồn máy bay có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân và khả năng thiệt hại lớn về người nếu xảy ra tai nạn lúc máy bay hạ cất cánh... Chính vì những lý do đó, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cần thiết và là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Về tính khả thi về mặt kinh tế của dự án, theo tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước thì tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 24,5%, cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình của xã hội nên Dự án có tính khả thi cao. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội như: thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước nói chung và khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Nam nói riêng; đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước; góp phần nâng cao trình độ khoa học - công nghệ; tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia; hình thành khu vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tập trung lao động có tay nghề...

ĐBQH tán thành sự cần thiết xây dựng sân bay Long Thành

Thảo luận tại Hội trường sáng 4/6, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với việc phân kì đầu tư, tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội do dự án mang lại.

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại phiên thảo luận

Các ý kiến đại biểu khẳng định, sân bay Long Thành là một án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tỏ ý không hài lòng với việc dự án lẽ ra đã phải được triển khai từ lâu, không phải đến thời điểm này các đại biểu Quốc hội vẫn còn phải tiếp tục ngồi bàn thảo.

“Vẫn ít nhiều có hai xu hướng là đồng tình và phản đối dự án, trong khi tại sao chúng ta lại không thể có một trung tâm tư vấn độc lập, hướng dự án đến tính khả thi, giúp cho người dân yên lòng, Quốc hội đồng thuận”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích, không chỉ đối với dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ngay cả nhiều dự án khác cũng gặp tình trạng như vậy. Mặc dù mới chỉ là việc quyết định chủ trương đầu tư, là giai đoạn tiền khả thi thì chưa thể khẳng định tính hiệu quả nhưng đã tốn kém quá nhiều thời gian.

Đối với dự án sân bay Long Thành, do không được triển khai sớm theo dự định, có thể hậu quả phải trả sẽ là rất lớn, khi những phương án khác như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa đều không thể khả đi với tầm nhìn rất ngắn.

Đại biểu Dương Trung Quốc mong Chính phủ, đặc biệt là Bộ GTVT cố gắng đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch hóa, thu hút ý kiến của người dân, đặc biệt tìm được ý kiến chuyên môn xác đáng, đủ sức thuyết phục để mọi người yên lòng. Đại biểu cho rằng, đối với những dự án sau này, chúng ta phải có lộ trình hợp lý chứ ko phải đặt sự việc vào thế đã rồi, phải quyết định trong trong tình cảnh không còn con đường nào khác.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành chứ không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi lẽ, Tân Sơn Nhất nằm trong khu vực nội thành, xung quanh là khu chung cư, không đảm bảo lâu dài nếu có một sân bay quốc tế trong khu dân cư.

Mặt khác hiện nay, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất việc đền bù là bất khả thi, theo quy hoạch vùng đô thị TP HCM, không có quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất nên không có hệ thống giao thông kết nối.

Đại biểu Trần Du Lịch phân tích: Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đến công suất tối đa chỉ đạt 25 triệu khách/năm thì quá mức quá tải này sẽ diễn ra nhanh chóng, đây sẽ là trở lực cho sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đại biểu Trần Du Lịch cho biết thêm, cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được quy hoạch là trung tâm của vùng kinh tế, với các nút giao thông kết nối đang hướng về Long Thành, nếu thay đổi làm chỗ khác sẽ phải bàn lại toàn bộ quy hoạch chi tiết.

Đại biểu Trần Du Lịch tán thành với tờ trình quy mô xây dựng sân bay 25 triệu hành khách/năm nhưng chỉ cần sử dụng 2.750 ha quỹ đất. Theo dự thảo trình Quốc hội, dự án sẽ thu hồi 5.000 ha, trong đó 1.050 ha đất dành lại quốc phòng, còn lại là đất dành cho hoạt động thương mại, dịch vụ. Theo đại biểu, nên tách riêng hai vấn đề này.

Đại biểu Trần Du Lịch lưu ý Chính phỉ cần tính toán hiệu quả các nguồn vốn. Trong đó cần làm rõ nguồn ngân sách bao gồm cả vốn ODA và nguồn vốn xã hội hóa từ tư nhân. Đồng thời, Chính phủ cũng phải có bài toán khả thi để dự án ảnh hưởng đến nợ công luôn ở mức thấp nhất.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề xuất, có thể khởi công dự án từ năm 2016, 2017 thay vì 2018 như dự kiến và thời gian hoàn thành giai đoạn 1 rút ngắn từ 8 năm xuống 5 hoặc 6 năm để sớm đưa dự án vào khai thác.

Minh Trang

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tán thành việc xây dựng sân bay Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO