Trong chiếc lều dựng tạm bên bờ vịnh Xuân Đài đoạn qua khu phố Lệ Uyên Đông, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, chúng tôi đếm có khoảng 40 người phụ nữ ngồi xếp hàng ngay ngắn cùng chiếc rổ nhựa để trước mặt đang cần mẫn, tỉ mỉ lượm từng con ốc hương và phân loại chúng ra thành nhiều kích cỡ lớn, vừa, nhỏ khác nhau bỏ vào từng chiếc rổ.
Chiếc lều dựng tạm để những người phụ nữ tập trung ngồi lượm ốc hương |
Sau khi những chiếc rổ nhựa đầy ốc hương đã phân loại theo kích cỡ, thương lái mang rổ ốc hương bỏ ven đường quốc lộ 1A chuẩn bị đưa lên xe tải chở đi.
Thương lái bỏ rổ ốc hương bên đường quốc lộ 1A để chở đi các nơi |
Tiếng cười rôm rả kèm theo những câu chuyện không đầu không cuối giữa nhóm người phụ nữ ngồi lượm ốc hương, làm cho bầu không gian trong túp lều ven vịnh Xuân Đài trở nên rộn ràng đầy sinh khí.
Các chị em phụ nữ vừa lượm ốc vừa nói chuyện vui vẻ |
Một chị phụ nữ tâm sự với chúng tôi: Ốc hương mỗi năm chỉ có một mùa thu hoạch, mình tranh thủ làm kiếm tiền được ngày nào hay ngày đó. Thương lái hoặc chủ nuôi ốc hương thuê chúng tôi lượm ốc tính mỗi tiếng là 30 ngàn tiền công, ai chịu khó làm thời gian nhiều thì được nhiều tiền. Công việc nhẹ nhàng, vừa làm vừa nói chuyện hàn thuyên với nhau cũng vui, vì ngày thường chị em cũng lo kiếm kế sinh nhai nuôi gia đình nên ít có dịp gặp nhau, tụ tập đông vui như vậy.
Xe rùa chở ốc vào lều để chị em phụ nữ lượm ốc |
Những tiếng cười của chị em phụ nữ không ngớt, vừa chọc cười vừa đùa giỡn nhau, chốc chốc lại có người hô lên tránh đường cho xe chở ốc vào.
Một người đàn ông trung niên cố hết sức đẩy thùng ốc lên lều |
Chúng tôi quay sang nhìn thấy một nhóm thanh niên trẻ, có cả người đàn ông tuổi trung niên, cứ hai người một xe rùa, người đẩy người kéo chiếc xe rùa đang chở một thùng ốc nặng ước chừng khoảng 50 kg, đẩy vào đường rãnh giữa túp lều đổ ốc hương ra nền bạt cho các chị em phụ nữ lượm ốc.
Người đẩy người kéo xe rùa chở ốc hương |
Chúng tôi đi theo nhóm đàn ông đẩy xe rùa ra tận hồ nuôi ốc. Ở đây có đến hơn hai chục thanh niên và đàn ông trung niên đang ngụp lặn dưới hồ để bơm hút ốc. Có hai chiếc máy hút ốc đang hoạt động hết công suất ro ro chạy dưới lòng hồ nuôi ốc.
Nhóm đàn ông ngụp lặn hút ốc dưới hồ |
Chỉ thoáng cái đã đầy ốc trong lưới, các thanh niên kéo lưới đưa ốc bỏ vào thùng nhựa lớn. Một thanh niên đẩy thùng nhựa đựng ốc từ giữa lòng hồ về phía một góc lòng hồ đã có người đứng chờ sẵn để đưa thùng ốc mang lên bờ.
Một thanh niên đẩy thùng đựng ốc từ giữa lòng hồ về phía một góc lòng hồ |
Hai thanh niên đẩy xe rùa tới mé hồ và hỗ trợ người đứng dưới hồ đưa thùng nhựa đựng ốc lên xe rùa. Hai thanh niên tiếp tục đẩy xe rùa chở ốc lên trên bờ cho các chị phụ nữ lượm ốc.
Góc hồ đã có người chờ sẵn giữ các thùng ốc chuẩn bị đưa lên bờ |
Chứng kiến những công việc nặng nhọc của những người làm thuê, chúng tôi chợt hiểu, hóa ra nghề thu hoạch lượm ốc hương tưởng đơn giản vậy mà cũng lắm nhọc nhằn, vất vả không kém gì những nghề đánh bắt thủy hải sản khác.
Hò nhau đưa thùng ốc dưới hồ lên xe rùa |
Đầu tiên là bơm hút ốc vào lưới, đưa ốc lên bờ, kéo ốc từ hồ lên bờ và cuối cùng phân loại ốc ra nhiều kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau, vì giá thành mỗi loại ốc hương lớn, vừa, nhỏ có giá tiền khác nhau trong khi thù lao nhân công cho người làm lấy ốc chẳng đáng là bao.
Đẩy xe rùa chở thùng ốc đi về phía lều |
Chị em phụ nữ được trả thù lao tiền công là 30 ngàn đồng một tiếng, đàn ông thanh niên được trả là 200 ngàn đồng một ngày công. Thế nhưng, đối với người dân sinh sống ven vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu họ đã quen thích nghi với công việc mùa nào thức ấy, trong năm đều có việc làm thời vụ, theo con nước mà mưu sinh.
Nghề mưu sinh thu hoạch ốc hương nhiều nỗi vất vả |
Thời điểm này đang trong mùa thu hoạch ốc hương nên thương lái ghé về vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu mua ốc hương bỏ mối tại các đầu nậu khá nhiều. Mỗi năm chỉ một, hai mùa thu hoạch và mỗi dịp như thế người dân Xuân Yên lại phấn khởi khi ốc hương được mùa, bởi ốc hương không chỉ mang lại thu nhập kinh tế cho người nuôi và thương lái, mà còn mang đến những đồng tiền công chắt chiu nhỏ bé của những người dân sinh sống ven vịnh Xuân Đài.