Nhân ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách: Tản mạn 10/10

Việt Hải| 07/10/2022 10:54

(TN&MT) - Kể từ Sắc lệnh số 122/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10/10/1952 thành lập Nhà in Quốc gia - cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về xuất bản in và phát hành sách của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngành xuất bản Việt Nam đã không ngừng phát triển, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước...

Giữa lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta bước sang giai đoạn quyết định, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia - cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về xuất bản in và phát hành sách của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ đó, ngày 10/10 trở thành ngày truyền thống của Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách cách mạng Việt Nam.

a1.-trien-lam-ky-niem-70-nam-ngay-truyen-thong-nganh-xuat-ban-trien-lam-trung-bay-2.500-cuon-sach-tu-lieu-hien-vat-ve-nganh-trong-70-nam-qua..jpg
Bản sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký được tái hiện tại Triển lãm sách kỷ niệm 70 năm Ngành xuất bản, In và Phát hành Việt Nam

70 năm qua, mỗi bước phát triển của Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đều gắn với sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất non sông cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ngành xuất bản luôn hoàn thành tốt vai trò của mình, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi và thành tựu chung của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, Ngành đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, thể hiện rõ vai trò xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

cac-dai-bieu-tham-du-trien-lam-ky-niem-70-nam-ngay-truyen-thong-nganh-xuat-ban.(3).jpg
70 năm qua, công tác xuất bản luôn khẳng định vai trò là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các cấp các ngành. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Lãnh đạo Cục Xuất bản... tham dự Triển lãm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản

Trong 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, nếu tính theo trình tự một quy trình, đương nhiên, xuất bản luôn là lĩnh vực đặt ở thứ bậc đầu tiên, là ngọn nguồn, là cơ sở cho hoạt động in và phát hành hoạt động. Tuy nhiên, không chỉ như vậy, đứng trên góc độ quan điểm cách mạng, xuất bản chính là lực lượng tiên phong mũi nhọn của mặt trận văn hóa tư tưởng. Và in, phát hành là phương thức đảm bảo cho hoạt động xuất bản được làm tròn sứ mệnh cách mạng của mình.

Nói như vậy để thấy rằng, có sự phân khúc về vai trò của xuất bản. Đồng thời, từ trong hoạt động xuất bản lại có một tầng phân khúc chi tiết hơn để đưa ra yếu tố quan trọng, trọng tâm về lĩnh vực của mình. Trong một cuộc trao đổi, phỏng vấn ngắn với PGS,TS. Vũ Quang Hào - người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy cũng như tiếp cận với các hoạt động xuất bản tiên tiến trên cả nước và thế giới, ông đưa ra nhận định: “Nếu như sáng tác (được bao gồm cho tất cả các thể loại) là khởi thủy của hoạt động xuất bản, thì công tác thẩm định, biên tập chính là cái cán cân mà đến đó, mọi giá trị được cân đong đo đếm chừng mực lại, cân bằng lại theo đúng định hướng, quan điểm chỉ đạo của chế độ và đúng với điều mà xã hội cần. Và đôi khi, chính công tác biên tập là đòn bẩy thúc đẩy sự sáng tác; sắp đặt cho một tác phẩm ra đời. Vì vậy, mối quan hệ giữa sáng tác - biên tập thẩm định, hay tác giả (cộng tác viên) - biên tập viên là một mối quan hệ biện chứng không thể tách rời”

z3779994483315_7f0b337c20c01622c6b33a999555f4ec.jpg
Việc tổ chức Trại sáng tác của Nhà xuất bản QĐND là động lực sáng tạo cho các nhà văn,  tạo cơ hội cho Nhà xuất bản đón nhận những tác phẩm mới. Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo, chỉ huy của Nhà xuất bản QĐND nhận bản thảo từ Trại sáng tác.

Để minh chứng cho điều này, bản thân người viết đã khảo sát thông tin từ một số các nhà xuất bản (QĐND, CAND, Hội Nhà văn, KH&KT...), và câu chuyện được kể ra sau đây chính là một trong những minh chứng ấy. Đó là một kỷ niệm trong công tác biên tập xuất bản của các biên tập viên Nhà xuất bản QĐND:

“Bước sang năm 1965, đế quốc Mỹ ráo riết thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đồng thời dùng không quân và hải quân tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc. Đây cũng là thời điểm Nhà xuất bản QĐND chuyển từ các nơi sơ tán về đứng chân tại số nhà 23 Lý Nam Đế Hà Nội.

Dù trong điều kiện biên chế rút gọn do một số đồng chí cán bộ biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội được điều động vào chiến trường nhưng công tác xuất bản vẫn đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Đảng, Quân đội; đặc biệt xuất bản thời kỳ này tập trung ca ngợi và phổ biến những kinh nghiệm chiến đấu, gương chiến đấu điển hình, phục vụ quốc phòng toàn dân, số sách phản ánh cuộc chiến đấu và chiến thắng trên chiến trường miền Nam tăng rõ rệt, thể hiện tinh thần mỗi cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản là một người lính xung kích trên mặt trận xuất bản.

Thời gian này, những tấm gương chiến đấu kiên cường bất khuất của cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ, một hải đảo tiền tiêu thuộc Vĩnh Linh, giới tuyến quân sự tạm thời đã trở thành một biểu tượng cao cả được cả nước ngưỡng mộ. Nhà xuất bản QĐND cần có sách về chuyện chiến đấu ở Cồn Cỏ Để đáp ứng mong mỏi của bạn đọc. Tuy nhiên, đảo thì xa, đến như việc tiếp tế của quân dân Vĩnh Linh cho Cồn Cỏ cũng đã là những chuyện thần kỳ vì hạm đội Mỹ giăng cả một loạt tàu chiến ngăn chặn suốt ngày đêm, nói gì đến việc ra đó tìm hiểu viết sách.

Nhà xuất bản QĐND đã mời nhà văn Hồ Phương vào cuộc, đồng thời giao cho đồng chí Vũ Sắc - biên tập viên tìm tư liệu. Qua báo chí và các lần tiếp xúc với các phóng viên có dịp ra Cồn Cỏ, qua các đồng chí lãnh đạo, cán bộ quân sự đã vào Vĩnh Linh nghe báo cáo, chỉ đạo cuộc chiến đấu, qua các thương binh từ Cồn Cỏ về đất liền điều trị…

Tiếp đó, được tin Thiếu tá Trần Đăng Khoa - Đảo phó Đảo Cồn Cỏ đã về đất liền để chuẩn bị đi công tác, trước khi đi công tác, đồng chí có cuộc gặp gỡ với Tổng cục Chính trị. Nhà xuất bản đã đề nghị Thiếu tá Trần Đăng Khoa giúp đỡ, cung cấp tư liệu. Mặc dù thời gian rất ít nhưng đồng chí Trần Đăng khoa vui vẻ nhận lời, dành thời gian nói chuyện với nhà văn Hồ Phương và biên tập viên Vũ Sắc. Thiếu tá Trần Đăng Khoa còn cho mượn xem cả một tập thư của cán bộ, chiến sĩ đảo. Anh nói: “Thư là của riêng nhưng với Cồn Cỏ, mọi người thương nhau như ruột thịt nên thư được coi như một “thư viện” chung. Đây là những tình cảm chân thực nhất và không cần phải giấu giếm”.

Tài liệu tương đối phong phú để nhà văn Hồ Phương có thể bắt tay vào viết “Chúng tôi ở Cồn Cỏ”. Viết đến đâu đánh máy, biên tập, đọc duyệt, trình bày đến đấy. Khoảng 20 ngày sau, “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” đã được sắp chữ lên khuôn ở Nhà máy in Quân đội. Sách “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” - tác giả Hồ Phương, ghi theo lời kể của Thiếu tá Trần Đăng Khoa là hơi thở nóng hổi của cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đảo anh hùng và có sức truyền cảm mạnh mẽ, được bạn đọc hoan nghênh.

Bài học kinh nghiệm qua làm cuốn sách trên để lại một tấm gương về trách nhiệm chính trị của người biên tập, sự ủng hộ nhiệt tình của cộng tác viên. Nếu không có sự quán triệt yêu cầu nhiệm vụ công tác chính trị từng thời kỳ, không bám sát cuộc sống, nhạy bén nắm bắt nhu cầu bạn đọc và nếu không có mối quan hệ sâu sắc với cộng tác viên, cộng với trình độ chuyên môn và phương pháp tư duy nghề nghiệp cùng với sự nhiệt tình của biên tập viên thì không thể làm kịp những cuốn sách đáp ứng nhu cầu và đúng thời điểm cần thiết như vậy”.

Sở dĩ người viết lựa chọn câu chuyện này vì trong quá trình tìm hiểu, khảo sát thực tế, Nhà xuất bản QĐND là đơn vị được các cơ quan quản lý xuất bản đánh giá cao, đồng thời nhận được sự mến mộ của đông đảo bạn đọc. Ra đời từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (tiền thân là Nhà xuất bản Vệ Quốc Quân), đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL ngày 11/7/1950 xác định về tổ chức biên chế trong cơ quan Tổng cục Chính trị QĐNDVN. Sách của Nhà xuất bản QĐND đã trở nên thân thuộc với bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, cộng tác viên và bạn đọc. Từ nơi đây, hàng triệu cuốn sách đã ra đời, có trong hành trang ra trận đánh Pháp đuổi Mỹ và đồng hành cùng bộ đội, nhân dân ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay.

khong-gian-trung-bay-cac-an-pham-chuyen-doi-so-thu-hut-doc-gia-tre.jpg
Không gian trưng bày các ấn phẩm chuyển đổi số thu hút độc giả trẻ

Trong thời kỳ hội nhập và tình hình thế giới có nhiều biến động, hoạt động xuất bản nước nhà có sự thăng trầm, đặc biệt là những năm vừa qua, khi văn hóa đọc đang bị các hình thái văn hóa thông tin trên mạng xã hội cạnh tranh mạnh mẽ, tuy nhiên, Nhà xuất bản QĐND nói riêng và Ngành xuất bản nói chung đã vững vàng vượt qua khó khăn, đảm bảo cho các xuất bản phẩm giữ vững định hướng chính trị của Đảng và tôn chỉ mục đích các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc; đồng thời, nắm bắt xu thế đọc của thời đại để từng bước chuyển mình, có các phương thức xuất bản đáp ứng nhu cầu đọc, thị hiếu đọc của xã hội mà sách điện tử là một ví dụ điển hình.

cac-dien-gia-trao-doi-ve-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-xuat-ban-in-va-phat-hanh.jpg
Các đại biểu tại Tọa đàm "Sách về chuyển đổi số và chuyển đổi số ngành sách" (do Cục Chuyển đổi số Quốc gia - Cục Xuất bản, In và Phát hành - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông phối hợp tổ chức) trao đổi về chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành

Bên cạnh đó, Ngành xuất bản Việt Nam cũng đang nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hòa vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước để bạn đọc tiếp cận với sách dễ dàng hơn, phù hợp lứa tuổi hơn. Trong nỗ lực cố gắng chung đó, có sự đóng góp rất lớn của những người làm công tác biên tập, thẩm định.

Đôi lời tản mạn vừa để sẻ chia niềm vinh dự tự hào, vừa là đồng cảm với những nhọc nhằn con chữ của những người làm công tác biên tập, xuất bản. Cũng để nhắc nhớ rằng có một ngày 10/10 Giải phóng Thủ đô, và cũng có một ngày 10/10 là Ngày Truyền thống của Ngành Xuất bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách: Tản mạn 10/10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO