Tan hoang rừng giáp ranh Phú Yên - Đắk Lắk

03/09/2013 00:00

(TN&MT) - Lâm tặc mở nhiều đường nhánh xuyên thẳng vào rừng sâu thuộc địa bàn xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, dùng máy móc, thiết bị hiện đại phá rừng quy mô lớn.

   
(TN&MT) - Tình trạng phá rừng nguyên sinh tại địa bàn xã các xã Ea Trol, Ea Ly, huyện Sông Hinh (Phú Yên), giáp ranh với huyện M’Đrắk (Đăk Lắk) ngày càng diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây, lâm tặc mở nhiều đường nhánh xuyên thẳng vào rừng sâu thuộc địa bàn xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, dùng máy móc, thiết bị hiện đại phá rừng quy mô lớn.
   
Gian nan những người giữ rừng
   
  Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh thuộc Sở NN-PTNN Phú Yên được giao quản lý gần 20.000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm 16.597ha, giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Những năm gần đây, thực trạng phá rừng ngày càng diễn ra rầm rộ; trong khi đó, lực lượng bảo vệ quá mỏng, không được trang bị công cụ hỗ trợ nên thường xuyên bị lâm tặc uy hiếp.
   
Lâm tặc chống đối, dành giật máy cưa lốc với lực lượng chức năng
    
   
  Trực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh (Phú Yên), Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức được giao trọng trách giữ hơn 3.000ha rừng; trong đó có nhiều tiểu khu giáp ranh với huyện M’Đrắk (Đắk Lắk). Ông Võ Trọng Bình, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh cho biết, tình trạng phá và lấn chiếm đất rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra hết sức phức tạp. Tại các khu 299, 305, 309 rừng phong phú, đa chủng loại gỗ có giá trị kinh tế cao nên những năm gần đây đã thu hút nhiều lâm tặc, chủ yếu là ở tỉnh Đắk Lắk tham gia phá rừng quy mô lớn; trong khi đó muốn tuần tra, kiểm soát rừng thuộc địa bàn xã Ea Trol, xã Sông Hinh, phải đi đường vòng xa hàng chục km qua huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) nên gặp rất nhiều khó khăn.
   
  Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, ranh giới rừng tiếp giáp giữa huyện Sông Hinh (Phú Yên) với huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) có chiều dài hơn 20km. Khu vực này phần lớn là rừng tự nhiên với nhiều loài gỗ quý như chò, huỷnh, trâm, gõ…, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Trol, Ea Ly, Ea Bar thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý. Do rừng nằm trên núi cao, hiểm trở, bị chia cắt phức tạp bởi các con suối Ea Trol, Ea Cơ, Ea Doal. Khu vực này không có đường giao thông và đường lâm nghiệp, lại nằm cách xa các khu dân cư của huyện Sông Hinh, gây khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, đối với huyện M’Đrắk (Đắk Lắk), thì khu vực này, địa hình kiểu cao nguyên khá bằng phẳng, giao thông thuận lợi, mật độ dân cư sinh sống dày, sản xuất tập trung, tạo sức ép tiêu cực cho các khu rừng màu mỡ hàng trăm năm tuổi của tỉnh Phú Yên. Tại đây, rừng được đánh giá chủ yếu là rừng giàu với trữ lượng gỗ trung bình trên 200m3/ha, cây có đường kính từ 40cm đến hơn 1,3m.
   
Gỗ được lâm tặc phát hộp ngay tại rừng
    
   
  Một cán bộ Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức cho biết, lâm tặc thường tập trung từng nhóm hàng chục người, phân chia thành nhiều khu vực, dùng cưa lốc đốn ngã hàng loạt cây gỗ lớn. Khi bị phát hiện, chúng dùng cưa lốc, dao, rựa, thậm chí cả súng kíp chống trả quyết liệt, tấn công, dành giật lại dụng cụ khai thác từ tay lực lượng bảo vệ rừng. Nếu không được lực lượng công an và kiểm lâm hỗ trợ kịp thời, thì rất nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ cần 3 máy cưa lốc, một đêm lâm tặc có thể hạ gục từ 50-60 cây gỗ đường kính lớn, phát hộp tại chỗ rồi mở đường, dùng xe cơ giới vận chuyển ra bìa rừng.
   
  Anh Huỳnh Hiếu, cán bộ lâm nghiệp Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh cho biết thêm, trong một đợt tuần ra mới đây, lực lượng gồm 4 người, dựng hai xe mô tô ở cửa rừng, rồi vượt dốc, lặn lội gần 3km xuyên rừng sâu kiểm tra thực tế. Nhưng khi quay trở ra mới “tá hỏa” phát hiện hai xe mô tô bị lâm tặc cắt lốp, đổ đất vào lốc máy, buộc anh em phải nhanh chóng vác xe mô tô ra đường chính thoát ra khỏi rừng trước khi trời tối, tránh lâm tặc “mai phục” bao vây, manh động tấn công. Sau đó, dắt xe hàng chục km đến tiệm sửa xe mô tô súc rửa động cơ, thay phụ tùng mới trở về được đơn vị báo cáo vụ việc.
   
  Tìm hiểu, chúng tôi được biết, cách đây vài năm, người dân tự mở đường, dùng xe độ đưa hàng chục hộ dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc và Đắk Lắk vào thành lập làng sinh sống dọc bờ suối Tre và suối Trỏ thuộc khu vực rừng Phú Yên, lấn chiếm đất rừng để sản xuất và khai thác rừng trái phép. Sau đó bị lực lượng chức năng trấn áp quyết liệt, phá cầu khỉ, lúa và hoa màu, buộc họ ra khỏi rừng. Tuy nhiên, đầu năm 2012, các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk lại mở đường khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng giáp ranh với rừng tự nhiên đầu nguồn thuộc xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, vô tình đã tạo điều kiện thuận lợi cho lâm tặc băng núi, ồ ạt phá rừng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ.
   
Hàng loạt cây chò đường kính hơn 1m tiếp tục bị hạ gục
    
   
Tan hoang rừng già
   
  Cùng hai cán bộ kiểm lâm và Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức, chúng tôi quyết định thâm nhập rừng già thuộc địa bàn xã Ea Trol, huyện Sông Hinh (Phú Yên), giáp ranh với xã Ea Mdoan, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk). Để tiếp cận được tiểu khu 309, chúng tôi phải vượt hàng chục km đường cheo leo suốt 3 giờ đồng hồ. Suốt chặng đường đi, bắt gặp nhiều cây gỗ lớn bị đốn ngã nằm chỏng chơ, vắt ngang cản đường. Ngay tại cửa rừng, toàn cảnh khu rừng là những cây gỗ lớn có tuổi thọ hàng trăm năm, mọc dày đặc, sừng sững cao chọc trời. Kề bên, ngổn ngang những cây gỗ chò vừa bị lâm tặc “xẻ thịt”, để lại bột cưa, ván bìa nằm vung vãi còn thơm mùi gỗ.
   
  Để bảo đảm an toàn, chúng tôi phải nhờ một cán bộ kiểm lâm ở lại cửa rừng canh chừng xe mô tô, phòng lâm tặc phá hoại, biển thủ; còn một người khác được trang bị vũ khí đưa chúng tôi thâm nhập sâu, mục sở thị rừng già. Từ đây, đổ dốc theo con đường rộng hơn 3m, men theo lối mòn được lâm tặc dọn sẵn dài hơn 100m, chúng tôi thật sự hãi hùng khi tiếp tục tận mắt chứng kiến hàng chục cây chò đường kích từ 0,8cm đến hơn 1,3m, dài trên 20m bị triệt hạ, nằm sõng soài cạnh gốc vừa ráo mủ còn tươi màu đỏ chót. Xung quanh là cả một vạt rừng bị đổ theo bởi tán và thân to của những cây gỗ lớn. Lâm tặc không khai thác tập trung tại một vùng, mà phân ra thành nhiều khu vực liền kề, chọn những cây gỗ lớn để khai thác; đồng thời che mắt, phân tán lực lượng chức năng với ý đồ, dễ dàng gây áp lực, “phối hợp” uy hiếp, tẩu tán phương tiện và dụng cụ khai thác khi bị kiểm lâm phát hiện. Tại mỗi địa điểm khai thác, lâm tặc dựng nhiều lán trại, dự trữ nhu yếu phẩm phục vụ phá rừng quy mô lớn, dài ngày.
   
Lực lượng chức năng cho xe đào, múc nhiều hố sâu cản đường lâm tặc vào rừng
    
   
   Chỉ tay về phía một lán trại vừa bị lực lượng chức năng phá hủy, anh Huỳnh Hiếu, cán bộ Trạm quản lý, bảo vệ rừng buôn Đức cho chúng tôi biết, mỗi lán trại, chúng tập trung từ 5-7 người, được trang bị cưa lốc mới tinh, cùng dao, rựa, sẵn sàng “hỗ trợ” nhau phản kháng lại lực lượng chức năng. Tại đây, ngày 15/8 vừa qua, đã xảy ra xô xát, giằng co giữa các lâm tặc và lực lượng truy quét, rất may là không có ai bị thương. Vì chúng quá đông và quá hung hãn nên lực lượng chức năng chỉ khống chế, tịch thu được 63 cây gỗ với gần 300m3, chứ không thể vây bắt người, tịch thu dụng cụ, phương tiện khai thác. Sau khi vận chuyển hàng chục khúc gỗ được lâm tặc phát thành hộp vuông từ 60-70cm, dài hơn 3m, lực lượng chức năng cho xe máy đào nhiều hố sâu gần 3m chắn ngang các con đường vào rừng, đề phòng lâm tặc quay lại tẩu tán những gây gỗ tròn còn lại và tiếp tục triệt hạ những cây khác.
   
  Theo quan sát của chúng tôi, riêng tại tiểu khu 309, lâm tặc đã mở hàng chục lối mòn xuyên thẳng vào tâm rừng già để khai thác và vận chuyển gỗ, nên rất có thể lượng gỗ trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” được phát hiện, vì diện tích rừng tự nhiên giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý rộng tới gần 16.600ha với chủng loại gỗ phần lớn từ nhóm 3 đến nhóm 8. Đây là “miếng mồi” ngon cho lâm tặc hoạt động có tổ chức, quy mô lớn.
   
Nhiều lán trại của lâm tặc bị lực lượng chức năng phá bỏ
    
   
Giải pháp nào giữ rừng?
   
  Mặc dù ngành lâm nghiệp hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk đã nhiều lần phối hợp ngăn chặn nạn phá rừng, nhưng xem ra cũng chỉ là biện pháp xử lý tình huống. Hiện rừng tự nhiên giáp ranh của huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) gần như không còn, vì vậy lâm tặc tỉnh này và các nơi đang “dòm ngó” sang lâm phần Phú Yên, khiến dư luận bày tỏ lo ngại: Liệu có bảo vệ được rừng?!
   
  Ông Cao Hữu Lộc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên thừa nhận, mặc dù UBND hai huyện Sông Hinh-M’Đrắk và Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Phú Yên-Đắk Lắk đã nhiều lần làm việc, đưa ra nhiều biện pháp, quy chế phối hợp ngăn chặn tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ trái phép vùng rừng giáp ranh nhưng hiện vẫn chưa mang lại hiệu quả, nhất là vùng rừng tiếp giáp với đường giao thông, khu vực sản xuất và khu dân cư của tỉnh Đắk Lắk. Từ thực tế trên ông Lộc đề xuất, UBND tỉnh Phú Yên sớm làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk để cùng phối hợp ngăn chặn nạn xâm hại các vùng rừng giáp ranh giữa huyện Sông Hinh với huyện M’Đrắk và Khu bảo tồn thiên nhiên tỉnh Đắk Lắk; đồng thời đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương khai thác chọn lọc gỗ rừng tự nhiên quá tuổi để lấy kinh phí tái đầu tư bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng phép.
   
   Đây cũng là quan điểm của ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi, liệu tỉnh bạn có mặn mà phối hợp ngăn chặn, ông Định phân trần, hiệu quả nhất vẫn là “tự mình chung tay bảo vệ rừng mình”. Theo ông Định, ranh giới rừng giáp ranh giữa hai tỉnh quá dài; trong khi đó tỉnh Đắk Lắk cũng rất cần sự phối hợp của tỉnh Phú Yên bảo vệ các vùng rừng giáp ranh khác, chứ không riêng gì diện tích rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh.
   
  Ông Định đề nghị, ngoài việc rất cần sự hỗ trợ thường xuyên, thời gian dài trong tuần tra, kiểm soát của lực lượng kiểm lâm và giải quyết một số chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, bảo vệ rừng, Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND tỉnh cũng cần xem xét đặc thù rừng phòng hộ giáp ranh. Từ đó, cho thành lập Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ; đồng thời thí điểm giao một số diện tích rừng cho đơn vị quốc doanh quản lý, bảo vệ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
   
  Bài & ảnh: Phương Nam
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tan hoang rừng giáp ranh Phú Yên - Đắk Lắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO