Tan hoang Cửa Đại

15/12/2016 00:00

(TN&MT) - Tại Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), sóng biển mạnh đang tàn phá hàng trăm mét bờ biển với tốc độ khốc liệt chưa từng thấy, cả một dải bờ biển hàng km, tan hoang, sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét…

Ngày 15/12, tận mắt chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của biển tại khu vực Cửa Đại, chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Từ một bãi tắm đẹp nổi tiếng trước đây, nay, chỉ còn là bờ cát xói lở, dựng đứng, sóng biển đã ăn sâu vào bãi tắm, cuốn những hàng dừa hàng chục năm tuổi xuống biển, theo ước lượng của chúng tôi, chỉ còn cách con đường ven biển chưa đầy 20 mét.  

Sóng biển đánh trôi các nhà hàng ven biển Cửa Đại
Sóng biển đánh trôi các nhà hàng ven biển Cửa Đại.


Ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (Hội An) cho biết, ngay từ đầu tháng 11/2016, chính quyền địa phương cùng chủ các nhà hàng ven biển đã huy động nhân lực sử dụng sức người, vận chuyển hàng ngàn bao cát nhằm gia cố nhiều tuyến bờ kè.

“Cửa Đại có 3km bờ biển, nhưng đến nay đã sạt lở nghiêm trọng hơn 1,6 km. Tình trạng biển xâm thực gây sạt lở bờ biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách của địa phương, tính sơ bộ đến thời điểm này, phường thiệt hại tới hơn 60%, trước đây trung bình mỗi năm, ngân sách phường thu từ hoạt động kinh doanh du lịch hàng tỷ đồng” - ông Sỹ nói.

Sóng biển đã đánh bạt qua bờ kè xây tạm, ăn sâu qua bờ kè cả chục mét ở Cửa Đại
Sóng biển đã đánh bạt qua bờ kè xây tạm, ăn sâu qua bờ kè cả chục mét ở Cửa Đại

Được biết, các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Cửa Đại cũng điêu đứng, tại Resort Golden Sand Hội An, với gần 700 mét bờ biển trong khu vực của resort này.  Trong thời gian qua, doanh nghiệp này đã tự đầu tư xây dựng chuỗi bờ kè với kinh phí hàng tỷ đồng, nhưng mỗi năm, tình trạng xói lở lại tiếp tục mạnh thêm, gây tiềm ẩn nguy cơ “cuốn bay” các công trình của resort ven biển.

Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hội thảo tìm một phương án chống sạt lở bờ biển Cửa Đại. Một số chuyên gia đã đưa ra ý kiến, dùng phương án “kè mềm” chắn sóng chống biển xâm thực. Theo phương pháp này, những túi kỹ thuật được bơm cát vào, có trọng lượng khoảng 300 tấn, chiều dài 20m, cao 5m và được đặt liền nhau cách bờ biển khoảng 50 - 100 mét. Đây chỉ là giải pháp tạm thời vì mỗi túi đựng cát chỉ có tuổi thọ trên dưới 5 năm. Theo quan sát của chúng tôi, trong những ngày này, sóng biển đã đánh tràn qua bờ kè “mềm”, nhiều đoạn bờ biển đã xói lở vượt qua bờ kè mềm đến 5 - 10 mét.

Nhiều công trình kinh doanh du lịch của người dân ở Cửa Đại chuẩn bị trôi xuống biển
Nhiều công trình kinh doanh du lịch của người dân ở Cửa Đại chuẩn bị trôi xuống biển

Cũng theo ông Lê Công Sỹ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, ngay từ đầu năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam triển khai đầu tư Dự án xây kè biển Cửa Đại với kinh phí khoảng 80 tỷ đồng, đã chuyển về địa phương 20 tỷ đồng. Để hoàn tất 1,6 km kè bờ biển Cửa Đại, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã kêu gọi một số nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ địa phương khảo sát các thông số sạt lở và có các nghiên cứu cụ thể để trình các bộ, ngành Trung ương xem xét.

“Nhiều ý kiến tại địa phương cho rằng, dự án kè biển Cửa Đại cần phải được khẩn trương xem xét, triển khai, trước tình hình biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, càng chậm trễ thời gian nào, bờ biển Cửa Đại sẽ càng tụt nhanh xuống biển chừng đó” - ông Sỹ nói.

Bài và ảnh: Xuân Lam

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tan hoang Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO