Lẽ ra vụ việc này đã sớm được giải quyết ổn thỏa nếu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề. Cả một thời gian dài, người dân khu vực này phải sống trong ô nhiễm, hôi thối từ bãi rác thải này gây ra. Họ nhiều lần kiến nghị nhưng các cơ quan hữu trách không nghe, thậm chí còn cho rằng họ bị giật dây, gây rối. Mọi chuyện trở nên phức tạp, trong khi chỉ cần cán bộ lãnh đạo xuống ăn một bữa cơm trong nhà người dân cạnh bãi rác thì sẽ hiểu nguyên do.
Cách đây chưa lâu, vào tháng 7-2018, cũng tại tỉnh Quảng Ngãi, người dân xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa cũng đã chặn xe vào Nhà máy Xử lý rác thải Nghĩa Kỳ cũng vì ô nhiễm trầm trọng. "Kinh nghiệm" từ vụ việc này đáng tiếc không được lãnh đạo địa phương nhận ra.
Không chỉ Quảng Ngãi, bức xúc của người dân sống quanh các nhà máy xử lý rác diễn ở nhiều nơi mà nguyên nhân chính cũng chỉ là đời sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm. Tháng 9-2017, nhiều người dân chặn xe rác vào nhà máy rác ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tháng 7-2018, vì chậm giải quyết hậu quả cộng thêm thời tiết nắng nóng, người dân quanh bãi rác Nam Sơn huyện Sóc Sơn, Hà Nội chặn xe đòi gặp lãnh đạo Hà Nội. Không chịu đựng được mùi hôi thối và ruồi nhặng tấn công, tháng 3-2018, hàng chục người dân sống gần bãi rác Phượng Thành ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã kéo nhau chặn xe chở rác vào bãi thải…
Với những gì đang diễn ra, chúng ta đã phần nào hình dung được sự bất cập của tình hình xử lý rác thải ở hàng loạt địa phương. Xử lý rác thải chưa bao giờ là chuyện… "rác" trong quá trình phát triển xã hội. Những đô thị lớn, ngay từ thời sơ khai luôn đặt chuyện xử lý rác thải vào một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Nó sẽ tác động cực lớn tới dân sinh, kế đó là dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước ngầm… Thậm chí, xử lý không tốt sẽ tác động nguy hiểm đến quá trình phát triển dân cư, quy hoạch kinh tế - xã hội của thành thị.
Thế nhưng hiện nay, nhiều địa phương có vẻ thiếu quan tâm đúng mực đến vấn đề này, khi có xung khắc xảy ra giải quyết cũng không ổn thỏa. Đa phần các nhà máy xử lý rác thải đều được xây dựng sau khi các khu dân cư hình thành. Thậm chí tại các địa phương, khi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hầu như vắng bóng các khu xử lý rác thải, trong khi lẽ ra vấn đề rác thải phải được ưu tiên làm trước.
"Công nghệ" chính của phần lớn nhà máy xử lý rác thải hiện nay là chôn lấp. Đây là cách làm của hàng ngàn năm trước, khi dân cư thưa thớt và chỉ vài năm là rừng sẽ lấn đất hoang. Như thế cũng hiểu cách làm này lạc hậu đến cỡ nào và cũng quá thiển cận khi phát triển đô thị hiện đại. Không còn cách nào khác, phải thay đổi thói quen phân loại và sử dụng công nghệ xử lý rác hiện đại dù phải tốn kém. Sự thay đổi này cần bắt đầu từ tư duy về rác của chính lãnh đạo các địa phương.