Trước đó, tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT. Hiện văn bản này chưa được ban hành và trong thời gian này, việc đổi đất lấy hạ tầng sẽ dừng thực hiện.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Tài chính đưa ra đề nghị này. Thời gian qua, không thể phủ nhận, đầu tư BT là một giải pháp quan trọng để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi xuất hiện rất nhiều lỗ hổng trong quản lý, đặc biệt là việc định giá các tài sản công, trong đó có đất đai, quyền sử dụng đất đã khiến người dân, dư luận mất lòng tin. Mới đây, câu chuyện mỗi km đường có giá đắt đỏ lên đến hàng nghìn tỷ đồng ở Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) đã gây nhiều phản hồi tiêu cực trong dư luận. Câu chuyện đúng, sai trong định giá đất tại dự án BT ở Thủ Thiêm hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, việc nhiều địa phương đua nhau lập dự án BT và các DN ồ ạt nhảy vào các dự án BT, nhiều dự án BT chỉ định thầu thay vì đấu thầu… là có thật. Vì vậy, việc đề nghị tạm dừng các dự án BT nhằm rà soát lại các vấn đề trong thẩm duyệt, triển khai Dự án để đảm bảo tính minh bạch, công khai và tính toán lại giá trị quỹ đất đổi hạ tầng là cần thiết.
Các chuyên gia cho rằng, đất đai là tài sản công, việc quản lý tài sản công phải được thực hiện theo quy chế mới, công khai, minh bạch và thực hiện đấu thầu tất cả các công việc, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các DN đấu thầu. Cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, giám sát một cách sòng phẳng. Ngoài ra, bên cạnh đất đai và các tài sản công, Nhà nước và địa phương cũng cần tham gia tìm kiếm các giải pháp khác để huy động hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội.