Suy thoái nguồn tài nguyên
Ven biển các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung được ví như một tấm thảm được dệt bởi các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên đa dạng. Song nơi đây, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về tài nguyên và môi trường biển. Chất lượng nước ven bờ, đặc biệt là tại các vùng nước cửa sông, bến cảng, các khu đô thị và dân cư ven biển đang ô nhiễm. Hiện tượng bồi lấp và xói lở tại nhiều vùng cửa sông, ven biển và các khu vực cảng khá nghiêm trọng, làm thay đổi các hệ sinh thái ven biển. Cạnh đó, việc sử dụng lưới kéo đáy, sử dụng mìn đánh bắt hải sản phá vỡ rạn san hô, khiến cho nhiều loài sinh vật không có nơi cư trú, từ đó làm giảm sút ÐDSH hệ sinh thái rạn san hô.
Điển hình như tại Quảng Ngãi, qua khảo sát của các nhà khoa học, vùng biển này có trên 160 loài cá, tôm, nhuyễn thể sinh sống, trữ lượng thuỷ sản khoảng 68.000 tấn. Tuy nhiên, hiện đa dạng sinh học vùng cửa biển chỉ còn ở mức trung bình và đang có chiều hướng giảm dần. Ngư dân Lê Trung Thành ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, người nổi tiếng ở làng biển Sa Huỳnh với 4 con tàu đánh bắt cá giờ cũng chỉ còn 2 chiếc tàu vì phải bán bớt để bù đắp cho những chuyến biển thua lỗ. “Cách đây 5 - 7 năm, mỗi lần ra biển là tàu thuyền đầy cá, ngư dân phải lựa bỏ cá nhỏ nhưng giờ cá nhỏ cũng không còn nhiều. Rất ít chuyến ra khơi đạt được sản lượng, đa số là bị lỗ chiếm đến 50% - 60% các chuyến đi biển”, ngư dân Lê Trung Thành cho biết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định, môi trường và đa dạng sinh học vùng ven biển của địa phương đang suy giảm nghiêm trọng. Hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển và nguồn lợi thủy sản dần mất đi do thác thủy sản mang tính tận diệt bằng chất nổ, chất độc hoặc lưới kéo. “Đáng quan ngại là ghe tàu khai thác của ngư dân, tàu du lịch neo đậu làm hư hại các rạn san hô, không còn chỗ cho các loài thủy sản quần tụ, sinh sôi”- một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định lo lắng.
Tại xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn), vấn đề này càng trở nên bức xúc khi 7ha mặt nước, bên dưới có rạn san hô rất đẹp nằm quanh Hòn Khô lớn được bảo tồn nguyên vẹn trong những năm qua, giờ đã được UBND tỉnh Bình Định giao cho Doanh nghiệp Tấn Phát làm du lịch. Do đơn vị quản lý không có biện pháp gìn giữ nên rạn san hô này đang bị tàn phá nghiêm trọng. Không chỉ vậy, 2 ha rạn san hô tại Hòn Khô nhỏ nằm sát bên cạnh cũng đang bị uy hiếp. Sự thể trên đã “phủi sạch” nỗ lực gìn giữ các rạn san hô trên vùng biển thuộc địa phương quản lý của chính quyền xã Nhơn Hải.
Cần một chiến lược bền vững
Sự suy giảm về ĐDSH biển đang ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, đời sống của người dân ven biển miền Trung, đặc biệt là những ngư dân kiếm sống nhờ nguồn lợi thủy, hải sản. Vì vậy, việc khai thác, bảo tồn đa dạng sinh học các vùng biển miền Trung đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý và cộng đồng người dân.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Biển & Hải đảo tỉnh Quảng Nam, trước nguy cơ suy giảm ĐDSH, địa phương đang thực hiện đồng loạt các giải pháp như tăng cường giám sát đánh bắt gần bờ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động có nguy cơ và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển. Riêng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã chọn khu vực Bãi Bấc, đảo Hòn Lao và các đảo Hòn Dài, Hòn Lá... với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển.
Để bảo tồn ĐDSH biển, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn với tổng diện tích 7.925 ha, trong đó diện tích mặt nước biển là 7.113 ha, nhằm duy trì, bảo vệ tài nguyên biển, đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho người dân. Đối tượng bảo tồn là hệ sinh thái rạn san hộ, hệ sinh thái rong, cỏ biển, bãi giống, bãi đẻ và các loài thủy sinh vật sinh sống trong khu vực. Khu bảo tồn đi vào hoạt động sẽ góp phần lợi quản lý, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản, không sử dụng thuốc nổ và các loại lưới lớn để khai thác, đồng thời tạo cảnh quan sinh thái thu hút khách du lịch, tạo sinh kế cho người dân.