Quán triệt, triển khai thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, ngay từ đầu nhiệm kỳ, toàn ngành đã rà soát, đánh giá thực tiễn, trên cơ sở đó trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ ngay những vướng mắc về đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao tỷ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021, Bộ TN&MT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Ngành.
Tổ chức bộ máy của ngành TN&MT tiếp tục được hoàn thiện. Cải cách hành chính phục vụ người dân, hướng về cơ sở đã góp phần ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm giảm các điều kiện, các yếu tố dẫn đến sự mất ổn định xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực đất đất, khoáng sản, môi trường.
|
Hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Bộ đã quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng, trình ban hành các Luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giúp tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng các quy hoạch, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia đối với từng lĩnh vực cụ thể, làm cơ sở định hướng quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới.
Đã chuyển từ thế bị động sang chủ động giải quyết các sự cố môi trường phát sinh. Hình thành được phương thức phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh. Đặc biệt, đã phối hợp để tập trung quản lý tốt 20 - 30% các đối tượng chính nhưng gây ra 70 - 80% các vấn đề môi trường để khoanh vùng, áp dụng các biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được chỉ đạo triển khai có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; đã tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện những yếu kém, hạn chế và các sai phạm để xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm.
Từng bước quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên nước từng bước được quản lý, khai thác hiệu quả. Kiểm soát ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, thực hiện các giải pháp tổng thể để xanh hoá các dòng sông. Đẩy mạnh kinh tế hoá, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đạt được nhiều thành tựu mới, tiềm năng khoáng sản, giá trị về địa chất từng bước được chuyển hoá thành các nguồn lực: Đã hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 cho 70% diện tích phần đất liền lãnh thổ Việt Nam và ở tỉ lệ 1:500.000 đối với khoảng 40% tổng diện tích vùng biển Việt Nam.
Nâng cao chất lượng dự báo, chủ động sản xuất, ứng phó giảm thiểu tác động của thiên tai, chủ động đề xuất các các biện pháp tổng thể, dài hạn nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tích cực triển khai các hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; tăng cường hợp tác quốc tế…
Mỗi một mùa xuân mới được xem như một sự khởi đầu tươi sáng và rực rỡ. Xuân 2021, là mùa Xuân đầu của kế hoạch 5 năm mới (2021 - 2025) - đang như một dòng chảy, khơi dậy sức bật mạnh mẽ trong mỗi chúng ta.
Và, trong khí thế ấy, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng đồng hành trên con đường dựng xây đất nước ngày một phồn thịnh.