(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt văn kiện sửa đổi Khung Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).
Theo đó, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020 với nguồn vốn chủ yếu là ODA vay ưu đãi hoặc ODA không hoàn lại do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Hàn Quốc (K-Eximbank); Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và một số các đối tác phát triển khác đóng góp và được cung cấp theo dạng hỗ trợ ngân sách.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chiến lược, các chính sách và các chương trình dự án ưu tiên nhằm ứng phó hiệu quả trước các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra ở Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh và các chiến lược của các ngành kinh tế có liên quan đến biến đổi khí hậu; hỗ trợ các hoạt động về chính sách, khoa học công nghệ và tài chính do Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức tư nhân cung cấp, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Trên cơ sở các hành động chính sách mang tính chiến lược đề ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chương trình sẽ tập trung nhằm chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu; đảm bảo an ninh nước và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu; ứng phó hiệu quả với mực nước biển dâng và thiên tai ở các vùng dễ bị tổn thương; bảo vệ và phát triển rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học...
Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động Chương trình.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và là cơ quan chủ quản Chương trình.
Minh Xuân