Sữa cũng dính nghi án chuyển giá

22/05/2015 00:00

Mặc dù có nhiều chính sách được ban hành để kiểm soát giá, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua sữa cho trẻ em với giá cao hơn một số nước trong khu vực. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng điều này đặt ra những nghi vấn về hiện tượng thao túng, dấu hiệu chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Tại cuộc họp báo gần đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã phải thừa nhận, hiện nay có 708 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện đăng ký, kê khai giá tối đa tại cơ quan nhà nước. Dù đã giảm 0,1-34% so với thời điểm trước khi nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn (tháng 6/2014), nhưng thực tế giá bán sữa bột trong nước vẫn đang cao hơn phần lớn các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Bộ nghi DN chuyển giá

Theo tài liệu do Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao) cung cấp, giá bán trung bình/kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi (từ bước 1 đến bước 4) với tất cả các nhãn hàng sữa của VN đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tại VN giá bán trung bình sản phẩm sữa bột trẻ em (bước 1 đến bước 4) là 16 USD, song ở Thái Lan chỉ là 14 USD, Philippines:12,9 USD, Malaysia: 10,9 USD, Indonesia: 9,5 USD.

Ông Tuấn cho biết, thực tế quản lý gần một năm qua cho thấy, không ít DN sản xuất, phân phối cung cấp chứng từ tờ khai thông quan hải quan với mức giá không đổi so với trước. “Điều này đặt ra những nghi vấn về hiện tượng thao túng, dấu hiệu chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào VN".

Đáng chú ý nhất là vẫn còn DN sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường. Một số DN còn tình trạng thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng giá nguyên liệu thế giới giảm, nhưng chứng từ tờ khai hải quan của các DN giá nhập khẩu sữa vào VN không giảm. Thực tế này đã đặt ra những nghi vấn về hiện tượng thao túng, dấu hiệu chuyển giá sữa bột từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào VN.

Để nói về hiệu quả của việc áp giá tối đa, Cục Quản lý giá khẳng định, qua rà soát, đối chiếu không có sản phẩm nào thay đổi mẫu mã khi mà các thành phần, vi chất giống nhau hoàn toàn. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để rà soát, kiểm tra các sản phẩm mới. Nếu phát hiện trường hợp các sản phẩm mới của các tổ chức, cá nhân chỉ thay đổi bao bì, mẫu mã mà thành phần không thay đổi, cơ quan quản lý giá sẽ không chấp nhận việc xác định, kê khai giá mới đối với các sản phẩm này.

Xem lại hiệu quả quản lý

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - Cục Quản lý giá đã nghi thì phải làm rõ. Nếu lấy lý do giá sữa nội đang cao hơn giá sữa trong khu vực 15-60% hay nguyên liệu đầu vào không giảm trong khi thế giới giảm để đưa vào nghi vấn là chưa chuẩn và thiếu căn cứ.

Ông Long cho rằng, các DN nếu thực hiện chuyển giá sẽ rất tinh vi. Còn nếu nói tờ khai DN nhập khẩu không thấy giảm là chuyển giá là chưa đủ căn cứ. Bởi vì đó chỉ là vấn đề kê khai. Để xác minh được hành vi chuyển giá, còn cần phải làm rõ rất nhiều nội dung như: Cty con phụ thuộc vào Cty mẹ như thế nào. Ngoài ra phải trả lời được câu hỏi, tại sao khi sữa ở nước khác về VN lại đắt thế? Họ đã chuyển giá thế nào, hành vi ra sao, chi phí vận chuyển, thuế đắt đỏ thế nào?...

Bình luận về việc áp giá trần, ông Long đã chỉ ra những bất cập và sự thiếu hiệu quả mà cơ quan quản lý cần phải tính đến. Các Cty có hàng loạt khả năng đối phó với giá trần bằng những yếu tố được công nhận trong cách tính giá trần, nhưng khó xác định chính xác, như: Khai tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ Cty mẹ hoặc trung gian nước ngoài; khai tăng giá các phụ phí... DN báo cáo bao nhiêu lại công bố lại bấy nhiêu là vô nghĩa.

Thực tế, việc áp dụng trần giá sữa của Bộ Tài chính khiến các DN có cơ hội thể hiện sự tinh vi hơn bằng các chiêu lách ngoạn mục. Bằng chứng là họ đã thay đổi nhãn mác, thay đổi công thức, khai tăng giá nguyên liệu nhập khẩu và tăng giá các phụ phí và vẫn được công nhận trong cách tính giá trần nhưng khó xác định. Cuối cùng, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt.

Bộ Tài chính đã ra quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ 01/6/2015 đến 31/12/2016. Theo đó, tiếp tục thực hiện mức giá tối đa trong khâu bán buôn của 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được công bố. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét, cơ quan quản lý vẫn chưa “bắt được bệnh” của giá sữa.

Theo dddn.com.vn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sữa cũng dính nghi án chuyển giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO