Sự phân phối nguồn nước ngọt hiện nay chưa tốt

07/04/2016 00:00

(TN&MT) – PGS.TS. Lê Anh Tuấn,  Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH – Đại học Cần Thơ,  chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực tài nguyên nước, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường  về  chủ đề tình trạng hạn, xâm nhập mặn đã và đang ảnh hưởng mọi mặt, nhất là sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL.

PV: Thưa PGS, nếu nói rằng “hiện nay - ngay trong cao điểm đại hạn này, ĐBSCL là vùng trũng, giáp biển, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thật sự không thiếu nước” - ông đánh giá thế nào?

PGS. Lê Anh Tuấn: Theo tôi, hiện nay ĐBSCL đang thiếu nước cho canh tác nông nghiệp và nước để cân bằng hệ sinh thái, còn nước sinh hoạt cho ăn uống thì không thiếu, chỉ có vấn đề lớn là khả năng phân phối, cung ứng bị hạn chế khiến người dân vùng ven biển gặp khó khăn.

ĐBSCL ngay cả về mùa khô vẫn là một vùng đất ngập nước lớn Việt Nam, nguồn nước nói chung không thiếu, chỉ có khác biệt là chất lượng nước. Mùa khô nước mặn và nước lợ chiếm ưu thế về không gian và duy trì lâu hơn nguồn nước ngọt.

PV: Nếu phỏng tính thì riêng lượng nước ngọt trên mặt đất mà hiện nay vẫn còn đổ về từ dòng Mê Kông có đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho ĐBSCL hay không, thưa ông?

PGS. Lê Anh Tuấn: Vấn đề là sự phân phối nguồn nước ngọt hiện nay chưa tốt và việc sử dụng nước chưa hợp lý. Nước sử dụng tập trung cho nông nghiệp vẫn còn rất cao.

PGS. Lê Anh Tuấn
PGS. Lê Anh Tuấn

PV: Ông có nghĩ rằng sở dĩ ĐBSCL lâm vào khủng hoảng nước nghiêm trọng như hiện nay là do chúng ta đã chủ quan, thụ động và việc sử dụng nước không hợp lý, không tận dụng tốt nguồn nước thậm chí lãng phí - kể cả nguồn nước mặn? Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

PGS. Lê Anh Tuấn: Như tôi đã trả lời, chúng ta chưa sử dụng nước hợp lý và hiệu quả. Về chính sách nông nghiệp, chủ trương ưu tiên cho sản xuất lúa kéo dài cũng là một lý giải cho việc tập trung nước cho mục tiêu này và xem nhẹ phần nào lợi ích nguồn nước mặn.

PV: Theo ông, nguyên nhân chính là do bất cập ở những khâu nào, lĩnh vực nào?

PGS. Lê Anh Tuấn: Bất cập trước tiên là chúng ta theo đuổi quá lâu một chính sách duy trì trên diện rộng cho sản xuất lúa, xem nhẹ chiến lược cho các hoa màu khác và chưa thực sự triển khai việc sự dụng tổng hợp nguồn nước cho vùng ven biển ĐBSCL.

Chúng ta cũng chưa có những giải pháp cụ thể cho vấn đề nước xuyên biên giới nên bị động trong những tình huống như mùa khô 2015 – 2016.

PV: Có quan điểm cho rằng "việc qui hoạch thủy lợi tại ĐBSCL trong thời gian qua chưa phù hợp với đặc điểm thủy lực", đề nghị ông có ý kiến về vấn đề này để có thể lưu ý trong khâu cải tạo hệ thống thủy lợi ?

PGS. Lê Anh Tuấn: Không, tôi đánh giá các quy hoạch thuỷ lợi tại ĐBSCL trong thời gian qua vẫn dựa vào các tính toán thuỷ lực - thuỷ văn. Tuy nhiên, mục tiêu chính của các quy hoạch thuỷ lợi này vẫn tập trung cho sản xuất lúa mà ít chú trọng hơn nuôi trồng thuỷ sản (cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt) và phần nào ít lưu ý về môi trường đất và nước, cũng như hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn của vùng đồng bằng.

Giám sát độ mặn thường xuyên để hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước cho sản xuất phù hợp
Giám sát độ mặn thường xuyên để hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước cho sản xuất phù hợp

PV: Trên công luận hiện có hai luồng quan điểm: Bỏ bớt lúa nuôi tôm và tiếp tục duy trì lúa ở những vùng ngọt và cả vùng mới được ngọt hóa. Tuy nhiên, yếu tô chi phối cốt lõi vẫn chính là nguồn nước. Xin ông cho biết giải pháp sử dụng nguồn nước thông minh nhất cho ĐBSCL?

PGS. Lê Anh Tuấn: Tôi không hoàn toàn theo quan điểm bỏ lúa nuôi tôm. Quan điểm của tôi là tuỳ vùng sinh thái để phát triển nông nghiệp hay nuôi trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên với sự hỗ trợ công trình ở quy mô vừa phải một cách khôn ngoan.

ĐBSCL được chia thành ba vùng sinh thái: khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên và vùng giữa sông Tiến và sông Hậu phía An Giang và Đồng Tháp là vùng nước ngọt quanh năm. Hiện tượng thời tiết cực đoan này chưa ảnh hưởng đến vùng đó, nên vẫn tiếp tục sản xuất lúa gạo. Các vùng ven biển, có hệ sinh thái nước lợ và nước mặn, thay đổi theo mùa có thể phát triển mô hình canh tác lúa - tôm (vùng nước lợ) và mô hình tôm - rừng (vùng nước mặn sát biển).

PV: Trong trường hợp tồi tệ nhất, cuộc khủng hoảng nguồn nước trên dòng Mê Kông sẽ ngày càng gay gắt, phức tạp hơn, chúng ta cần phải làm gì để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thưa ông?

PGS. Lê Anh Tuấn: Cần khuyến cáo giải pháp quản lý tài nguyên nước tổng hợp (Integrated Water Reseources Management, viết tắt là IWRM).

Trước tiên, phải có những đánh gia đầy đủ, nhận diện tất cả các nguy cơ nguồn nước, từ những kịch bản biến đổi khí hậu - nước biển dâng, tác động xuyên biên giới, phân tích các bất cập về chính sách thuỷ lợi và an ninh lương thực.

Cần ngăn chận sự mở rộng các khu dân cư và vùng sản xuất ở những vùng trữ nước, từng bước khôi phục các khu dự trữ nước tự nhiên song song với việc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ và cây trồng.

Giải pháp ngoại giao nước (water diplomacy) nên đẩy mạnh trong tinh thần hợp tác khu vực sông Mekong: ngoại giao và đàm phán cần nhấn mạnh trách nhiệm chia sẻ lợi ích và chia sẻ rủi ro cho việc sử dụng nước dòng sông Mekong.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


“Chúng ta chưa sử dụng nước hợp lý và hiệu quả. Về chính sách nông nghiệp, chủ trương ưu tiên cho sản xuất lúa kéo dài cũng là một lý giải cho việc tập trung nước cho mục tiêu này và xem nhẹ phần nào lợi ích nguồn nước mặn” – PGS. Lê Anh Tuấn.

 

 

 

 

 

 

 “Trong thời điểm nước mặn xâm nhập, người ta vẫn có thể lấy được nước ngọt lúc thủy triều thấp ở ĐBSCL, tại một số địa điểm nhất định. Tận dụng hệ thống kinh mương chằng chịt, người ta vẫn có thể tạo nên các bễ dự trữ nước ngọt (water reservoirs) cho từng địa phương (trên cơ sở nghiên cứu khoa học), để giữ mực thủy cấp trong đồng ruộng, không cho tụt xuống sâu hơn tầng sinh phèn (pyrite), tăng cường quản lý biện pháp “ém phèn” trong mùa khô kiệt” – GS. Bùi Chí Bửu.

 

 

 

 

“Tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sẽ ngày càng đi sâu hơn vào đất liền là một thực tế không cưỡng lại thiên nhiên được. Phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn lựa hướng sản xuất và tìm đầu ra cho  các hướng đó thế nào để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt – tài nguyên thiên nhiên không tái tạo.

Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời này nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu một cách bền vững hài hòa thiên nhiên”. – GS Võ Tòng Xuân

 

Hùng Long (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự phân phối nguồn nước ngọt hiện nay chưa tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO