Sử dụng đất thuộc hành lang giao thông đường bộ

22/11/2017 00:00

<!--[if gte mso 9]><xml><o:DocumentProperties><o:Version>12.00</o:Version></o:DocumentProperties></xml><![endif]-->

         (TN&MT) - Cảm ơn quý báo đã trả lời giúp tôi về phần đất lưu không là gì (trên bài viết quyền về lối đi). Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn thắc mắc, chưa hiểu rõ về một số vấn đề sau: Trong luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có khái niệm về đất lưu không và phần đất này được hiểu và thực hiện theo quy định tại khoản 3, điều 157 luật đất đai quy định. Trong luật đất đai năm 2013, theo tôi tìm hiểu cũng không đề cập đến việc được phép mua bán hay đấu thầu phần đất lưu không này. Một lần nữa xin hỏi quý báo giải thích giùm, trong 20 năm qua đảng ủy, chính quyền xã xuân Dục nơi tôi đang ở đẫ đấu thầu phần đất lưu không này (phần đất nằm trong quy hoạch hành lang giao thông, công trình công cộng) là đúng hay sai? quá trình đấu thầu lại không quá hợp đồng đấu thầu, chỉ có văn bản bàn giao đất, như vậy có đúng quy định của Nhà nước không? Nếu Đảng ủy, chính quyền xã đấu thầu phần đất đó là sai, thì gia đình tôi có thể gửi đơn khiếu lại đến đâu, với ai để được giải quyết?          


Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Ảnh minh họa (nguồn Internet).

 

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Tòa soạn không thể khẳng định được quyết định bàn giao đất của địa phương là đúng hay sai. Bởi, Tòa soạn không biết địa phương đang đấu thầu hay giao đất theo hình thức nào? Mục đích của việc giao đất là gì? Thủ tục giao đất ra sao?...

Vì vậy, để biết được quyết định đấu thầu đất, giao đất của địa phương đúng hay sai bạn có thể gửi đơn khiếu nại, yêu cầu trả lời đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Tuy nhiên, tòa soạn có thể đưa ra một số quy định liên quan đến việc sử dụng đất thuộc hành lang an toàn giao thông để bạn tham khảo.

Hiện, ngoài các quy định trong Luật Đất đai, việc sử dụng đất trong hành lang an toàn giao đường bộ còn được điều chỉnh bởi Luật giao thông đường bộ 2008. Cụ thể: Khoản 5 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008: “Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.”

Trong khi đó, Điều 43 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định phạm vi đất dành cho đường bộ:

“1. Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ.

2. Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gồm công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường bộ, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp, thoát nước, xăng, dầu, khí.

3. Trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này, được tạm thời sử dụng vào mục đích nông nghiệp, quảng cáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ. Việc đặt biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

4. Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.

Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định cụ thể phạm vi đất dành cho đường bộ, việc sử dụng, khai thác đất hành lang an toàn đường bộ và việc xây dựng các công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ.”

Quy định khiếu nại về đất đai

Nếu không đồng tình với quyết định của chính quyền địa phương, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Điều 204 Luật đất đai 2013 quy định giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai như sau:

“1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính."

Khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại 2011 quy định:

“1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính."

Báo TN&MT

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng đất thuộc hành lang giao thông đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO