Sống xanh giữa lòng phố thị

08/01/2015 00:00

(TN&MT) - Du khách đến Đà Nẵng luôn ngạc nhiên khi dạo bước trên những con phố tinh tươm, không khí trong lành, hiếm khi thấy rác thải chất đống ngổn ngang.

(TN&MT) - Du khách đến Đà Nẵng luôn ngạc nhiên khi dạo bước trên những con phố tinh tươm, không khí trong lành, hiếm khi thấy rác thải chất đống ngổn ngang như thường thấy ở một vài đô thị lớn. Để có được nét đẹp trong lành ấy không phải là chuyện một sớm một chiều, với nhiều cách làm, mà nhất là phải bắt đầu từ chính người dân thành phố.
   
Và Đà Nẵng đáng sống bởi những điều như thế...
   
Từ việc “nhà sạch thì mát”
   
  Chiều thứ 7, thấy ông Nguyễn Bốn (67 tuổi, tổ trưởng tổ 12, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) đi qua là các cụ, các bà trong tổ hỏi ngay: “Bác ơi, sáng mai vẫn dọn vệ sinh chứ?”. Ông Bốn nói: “Có chứ” và giấu đi nụ cười vui vì chưa kịp thực hiện ý định tuyên truyền cho việc dọn dẹp, vệ sinh cho khu phố vào sáng mai. 23 năm gắn bó với cái chức tổ trưởng tổ dân phố - “vác tù và hàng tổng”, ông bảo: “Dân mình giờ ý thức lắm. Cái sạch bây giờ bắt đầu từ trong nhà, mọi người tự ý thức thu dọn rác để vào thùng, có nắp đậy đàng hoàng. Sáng chủ nhật nào, bà con cũng ý ới gọi nhau tay chổi, xẻng bắt đầu dọn dẹp nhà mình, rồi đến vỉa hè, cổng ngõ. Cả đoạn phố bỗng chốc tinh tươm, bừng lên trong sớm”.
   
  Những năm gần đây, phong trào Ngày chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp đã dần thành nếp, thành thói quen của người dân Đà thành. Không chỉ làm vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ, hàng năm, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, các địa phương thành phố huy động hàng chục đợt ra quân, thu gom hàng ngàn tấn rác, nạo vét hàng ngàn mét kênh, mương, trồng hàng chục ngàn loại cây, chăm sóc các bồn hoa, thảm cỏ… Đặc biệt, các bãi biển, tuyến đường du lịch, công viên, khu vực trung tâm thành phố luôn được giữ gìn sạch sẽ, tươm tất. Sau các đợt mưa bão, hàng chục ngàn cán bộ, công nhân, công viên chức, bộ đội, công an, học sinh, sinh viên cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh đường phố. Anh Phan Minh Đức từ TP Hồ Chí Minh về thăm quê Quảng Nam nhân dịp giáp Tết, ghé qua Đà Nẵng, không khỏi ngạc nhiên khi thấy tinh thần người dân Đà Nẵng chủ động ứng phó thiên tai, chủ động dọn vệ sinh. “Người Đà Nẵng đối xử với cây cỏ, với đất đai, bãi biển, đường phố... khác lắm, có tình lắm” - anh Đức nói.
   
  Không chỉ thu gom, thấy nhiều thứ rác thải có thể tái chế, sử dụng lại được, nhiều tổ dân phố nảy ra “sáng kiến” phân loại rác, bán lấy tiền giúp đỡ những gia đình khó khăn. Ông Đoàn Minh Vương, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 35, 36, trưởng nhóm thu gom rác phường Thuận Phước, quận Hải Châu cho biết: “Từ đầu 2012, tụi tui bắt đầu gom rác phế liệu, nhôm nhựa... bán được gần 20 triệu đồng. Số tiền ấy giúp cho hàng chục hộ nghèo trong tổ có thêm điều kiện mưu sinh, giúp nhiều cháu học sinh yên tâm tới trường rồi đó”. Ý tưởng của ông được nhiệt liệt ủng hộ tổ dân phố kết hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên cùng thu gom phế liệu. Một ngàn, hai ngàn rồi ba ngàn. Tích tiểu thành đại, mà hơn hết là tấm lòng, là sự sẻ chia của cộng đồng cư dân đô thị vốn đang bị coi là mai một tình cảm láng giềng. Gần đây, Đà Nẵng thí điểm thực hiện thu gom rác theo giờ ở một số tuyến đường. Việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi đã dần trở thành thói quen. “Cứ khoảng 3h chiều là tui mang rác ra để đúng nơi quy định, chứ không còn tiện lúc nào bỏ lúc đó như trước nữa, vừa không đẹp mắt vừa mất vệ sinh” - Bà Lê Thị Hay (67 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh thuộc tổ 12, phường Hải Châu 1), cho biết.
   
Tát cả cùng chung tay
   
  Tầm 6h sáng chủ nhật, khi tiếng chuông tại khu chung cư phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà vang lên, không ai bảo ai, mỗi hộ đều có người ra tham gia, nào xẻng, nào chổi, thùng đựng rác... Bác Nguyễn Trung Tranh (73 tuổi), chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nại Hiên Đông dựng xe máy, rảo quanh một vòng nắm tình hình. Chỗ nào cỏ um tùm, rác dồn thành đống, bác xắn tay áo cùng dọn với mấy thanh niên, vừa làm vừa nói chuyện hồ hởi. Chẳng mấy chốc bãi cỏ sạch tinh. Quệt nhanh giọt mồ hôi, anh Huỳnh Bá Hoàng (45 tuổi, tổ trưởng tổ 65), kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ môi trường chung cư Cựu chiến binh cho biết: “Giờ chỉ cần nghe tiếng kẻng vào sáng chủ nhật là mọi người tự giác ra dọn liền, không phải nhắc nhở nữa”.
   
  Trước đây, tình trạng xả rác bừa bãi ở các khu chung cư rất phổ biến, vì ai cũng nghĩ “vứt ai biết mà lo” khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây “nóng” hơn bao giờ hết. Có người thậm chí còn vứt rác bằng cách ném cả bao ni lông từ ban công xuống đất. Và những cuộc cãi vã, xô xát cũng từ đó mà ngày càng nhiều hơn. Trước tình hình đó, Hội Cựu chiến binh thành phố đã vào cuộc, vừa chủ động dọn dẹp, vừa vận động tất cả mọi hộ dân thực hiện nếp sông văn minh, sạch sẽ, bảo vệ môi trường chung. Rồi Câu lạc bộ môi trường chung cư Cựu chiến binh ra đời với 23 thành viên, trong đó hầu hết là tổ trưởng tổ dân phố làm nòng cốt cho phong trào. Bây giờ, đến các khu chung cư ở Nại Hiên Đông chỉ thấy cảnh ngăn nắp, gọn gàng và nụ cười niềm nở của anh chủ cửa hàng tạp hóa khi nhắc mấy cháu nhỏ: “Ăn xong nhớ bỏ vào thùng rác này nghe con”.
   
Những bóng áo xanh cùng thu gom rác thải vào dịp cuối tuần.
   
  Câu lạc bộ môi trường chung cư Cựu chiến binh là một trong hơn 30 câu lạc bộ hoạt động vì môi trường do Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng đứng ra thành lập, trở thành mô hình độc đáo và hiệu quả trong cả nước. “Thấy mấy bác cựu chiến binh lớn tuổi như vậy mà còn hăng hái đi đầu trong dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường thì tụi mình sao có thể khoanh tay đứng nhìn” - anh Phạm Hoài Nam (36 tuổi, người dân ở chung cư Nại Hiên Đông thổ lộ. Nhiều hoạt động hiệu quả từ các câu lạc bộ môi trường cựu chiến binh. Câu lạc bộ Cựu chiến binh môi trường thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang tự đặt hàng, đặt 10 thùng rác, giảm đáng kể lượng rác thải ra sông, huy động trồng hơn 1.200 cây sao đen trên tuyến đường liên thôn; Câu lạc bộ môi trường Khu vực 1 Quang Thành 4B, quận Liên Chiểu thì lại “nổi bật” với các hoạt động tổ chức nạo vét khơi thông tuyến mương dẫn nước thải từ Khu công nghiệp đổ ra với tổng số 37m3bùn đất…
   
  Không “kém cạnh” các bác cựu chiến binh, Thành đoàn Đà Nẵng cũng rất chủ động và tích cực với hàng loạt các hoạt động ra quân để giải quyết các điểm nóng môi trường như: hàng ngàn lượt thanh niên tình nguyện tham gia dọn vệ sinh khắc phục hậu quả bão lụt; 2.000 thanh niên tham gia ra quân xóa quảng cáo rao vặt trái phép trên toàn địa bàn thành phố năm 2014; 5.000 thanh niên thuộc 56 xã, phường tham gia ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trong 9 ngày liên tục năm 2012; có hơn 10.000 thanh niên đăng ký đảm bảo nhận công trình bảo vệ môi trường, chương trình trồng 3.000 cây xanh tại 29 cơ sở đoàn…
   
Sáng tạo trong cách làm
   
  Có lẽ, chưa ở đâu hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB), nhóm, tổ chức thanh niên tình nguyện vì môi trường như ở Đà Nẵng, như CLB Vì biển xanh, CLB Búp sen hồng, CLB Tuổi trẻ Thuận Phước... đã mang lại một luồng gió mới, trở thành nét đẹp trong lối sống hành động của tuổi trẻ. “Hơn 40 thành viên của câu lạc bộ tụi mình đều có chung niềm yêu thích thiên nhiên và muốn làm thật nhiều để bảo vệ môi trường. Mình nghĩ môi trường chính là tương lai của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta - những người trẻ phải đi đầu trong hoạt động này” - bạn Nguyễn Thị Ly Ly (sinh viên năm 4 trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng), Phó chủ nhiệm CLB yêu thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng (gọi tắt Green Viet) thổ lộ.
   
  CLB này bắt nguồn từ những ý tưởng xây dựng một CLB gắn liền với việc bảo tồn đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà thông qua các hoạt động truyền thông và nghiên cứu của sinh viên, cựu sinh viên và cán bộ trẻ Khoa Sinh - Môi trường (trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng). Hoạt động của những tình nguyện viên trẻ tuổi của CLB có thể là phơi mình dưới cái nắng gay gắt để tuyên truyền cho du khách hưởng ứng chương trình hành động “Vì màu xanh bán đảo Sơn Trà” hay bày bán những quầy hàng nhỏ xinh để quảng bá về sự đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà, gây quỹ để tổ chức các hoạt động thiết thực khác. Và với số tiền thu được, các bạn đã phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về thiên nhiên Sơn Trà hay tổ chức hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác trong Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà...
   
  Vì Biển Xanh cũng là một cái tên khá quen thuộc trong việc bảo vệ môi trường. Hơn 10 năm hoạt động, CLB này đã có khá dày các hoạt động bổ ích lôi cuốn hàng trăm thanh niên tham gia như: triển lãm trưng bày bức tranh khủng làm từ 75.000 vỏ chai với thông điệp hưởng ứng “Giờ Trái Đất - tắt điện, bật tương lai”; hay triển lãm trưng bày các vật dụng, sản phẩm lưu niệm làm từ phế phẩm… Từ bỏ những ngày nghỉ lễ cuối tuần, các bạn trẻ đốt chung ngọn lửa đam mê cùng xắn tay áo nhặt từng cộng rác làm sạch các con phố và bãi biển.
   
  “Môi trường là của chung, bởi vậy, nếu không có sự chung tay của cộng đồng thì dù chính quyền có cố gắng cũng không thể xây dựng một môi trường bền vững. Với Đà Nẵng, ý thức bảo vệ môi trường đã “ngấm” vào mỗi người dân từ rất lâu và biến thành hành động” - ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng tâm sự. Đến Đà Nẵng nhiều lần, người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy có những cụ già chuyên đi lượm rác ngoài bãi biển hay những bóng áo xanh cùng thu gom rác thải hay vui vẻ đi xóa quảng cáo rao vặt. Và Đà Nẵng đẹp bởi những điều như thế...
   
Bài và ảnh: XUÂN LAM - THANH HẢI
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống xanh giữa lòng phố thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO