Sông Krông Nô sạt lở mạnh vì thủy điện

11/08/2016 00:00

(TN&MT) - Hàng trăm hộ dân tại huyện Krông Nô và huyện Lắk đang từng ngày chứng kiến đất sản xuất của mình trôi theo dòng nước.

 

(TN&MT) - Từ khi xây dựng, hoàn thành đến nay, việc vận hành nước của Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Buôn Tua Srah (công suất 86MW; đặt tại 2 xã Nam Ka, huyện Lắk, Đắk Lắk và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã làm sạt lở nhiều diện tích đất nông nghiệp 2 bên bờ sông Krông Nô. Hàng trăm hộ dân tại huyện Krông Nô và huyện Lắk đang từng ngày chứng kiến đất sản xuất của mình trôi theo dòng nước.

Ông Đặng Văn Quảng (thôn Quảng Hà, xã Nâm Ndir) thu gom bắp tại khu vực đất đã sạt xuống sông Krông Nô
Ông Đặng Văn Quảng (thôn Quảng Hà, xã Nâm Ndir) thu gom bắp tại khu vực đất đã sạt xuống sông Krông Nô

Những bờ sông đang “chết”

Cuối tháng 7/2016, chúng tôi tìm về xã nghèo Đức Xuyên (huyện Krông Nô). Từ trung tâm huyện Krông Nô, gần 30km đường như trở nên xa hơn vì Quốc lộ 28 (trước đây là Tỉnh lộ 4) đã hư hỏng nặng. Vừa đến trụ sở UBND xã, chúng tôi thấy 2 người đàn ông đứng tuổi cầm theo đơn vào phòng làm việc của lãnh đạo xã để kiến nghị về việc sạt lở đất ven sông Krông Nô. Biết chúng tôi là phóng viên, khuôn mặt khắc khổ của hai người đàn ông không giấu được niềm vui và lập tức mời chúng tôi ra khu vực sạt lở.

Qua con đường nội đồng đã được bê tông hóa, ông Đặng Xong (thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên) đưa chúng tôi đến rẫy cà phê nằm bên bờ sông Krông Nô của mình tại thôn Xuyên Hà. Chỉ tay vào những cây cà phê đang nghiêng mình xuống sông, ông Xong kể: “Tôi vào đây canh tác từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó sông Krông Nô còn nhỏ, có thể lội qua được. Nhưng từ năm 2009, khi NMTĐ Buôn Tua Srah phía thượng lưu hoạt động, tình trạng sạt lở đất bên bờ sông diễn ra với tốc độ chóng mặt, lòng sông đã được mở rộng mỗi bên mấy chục mét. Sau 6 năm, tổng cộng gia đình tôi đã bị sạt lở gần 1ha đất. Những hàng cà phê mấp mé bên sông cũng nứt toác, có thể bị nước cuốn trôi bất kỳ lúc nào.”

Bờ sông Krông Nô đoạn chảy qua xã Nâm Ndir bị sạt nhiều mét mỗi năm
Bờ sông Krông Nô đoạn chảy qua xã Nâm Ndir bị sạt nhiều mét mỗi năm

Canh tác ở sát rẫy và cùng hoàn cảnh với ông Xong, anh Nguyễn Đăng Tín (thôn Xuyên Hà, rẫy sát cạnh ông Xong) chia sẻ: “Mấy năm qua, gần 5 sào đất của gia đình tôi cũng bị vùi vào lòng sông. Mỗi lần bị sạt lở, chúng tôi chỉ biết nhờ chính quyền can thiệp và thủy điện cũng đã tiến hành đền bù. Nhưng đối với người nông dân chúng tôi, việc hỗ trợ kinh phí chỉ là tạm thời, muốn sống thì phải có đất canh tác. Vùng đất bị sạt toàn là đất màu mỡ, trồng cây ngắn ngày hay dài ngày luôn cho năng suất rất cao”.

Không riêng gì tại xã Đức Xuyên, hàng chục héc-ta đất nông nghiệp ven sông Krông Nô của người dân tại các xã Quảng Phú, Nâm N’Đir, Đắk Nang (huyện Krông Nô) cũng bị sạt lở mạnh. Tại khu rẫy ven sông của gia đình anh Đặng Văn Quảng ở thôn Quảng Hà (xã Nâm N’Đir), nhiều diện tích bắp sắp đến kỳ thu hoạch đang sạt dần xuống dòng nước. Anh Quảng kể: “Mấy hôm trước ra thăm rẫy thấy hàng bắp vẫn còn trên bờ, vậy mà giờ đã sạt hết xuống sông các chú ạ! Mùa mưa nên tốc độ sạt lở còn chậm, chứ mùa khô sạt cả vài mét trong đêm là bình thường. Năm nào các hộ dân gần sông như chúng tôi cũng bị sạt xuống sông mấy sào đất, chẳng biết vài năm nữa có còn đất để mà trồng không?”.

Nhiều diện tích cà phê của gia đình ông Đặng Xong (thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên) đã bị sạt xuống sông Krông Nô
Nhiều diện tích cà phê của gia đình ông Đặng Xong (thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên) đã bị sạt xuống sông Krông Nô

Lỗi do thủy điện?

Cả người dân và chính quyền địa phương đều cho rằng tình trạng sạt lở bắt chỉ xảy ra từ khi NMTĐ Buôn Tua Srah đi vào hoạt động (khoảng năm 2009 - 2010). Theo ông Nguyễn Văn Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Đir, việc xây dựng nhà máy thủy điện đã khiến cho hệ sinh thái và dòng chảy của sông Krông Nô biến động mạnh. Quá trình vận hành nhà máy không chỉ gây sạt lở mạnh phần đất 2 bên sông, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trên sông mà còn gây ra nhiều khó khăn cho bà con trong việc sử dụng nguồn nước để sản xuất. Vào mùa khô, việc bơm nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình vận hành của nhà máy. Trong khi đó, quá trình xả nước chạy máy khiến lòng sông không được bồi đắp liên tục bị khoét sâu, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình bơm nước tưới.

Theo ông Nguyễn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên, tình trạng sạt lở chỉ xảy ra xảy ra mạnh ở thôn Xuyên Phước và Xuyên Hà của xã. Có những bụi tre lớn bên bờ sông trước đây đã bị sạt ra đến giữa dòng. “Từ khi đi vào vận hành đến nay, quá trình đóng mở nước của NMTĐ Buôn Tua Srah là nguyên nhân làm cho hàng trăm héc-ta đất ven sông của người dân bị sạt lở và ngập úng mỗi năm. Mặc dù NMTĐ đã phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần tiến hành đền bù nhưng người dân ở địa phương vẫn rất bức xúc và liên tục có kiến nghị vượt cấp. Nhiều người chỉ đòi đất sản xuất, họ cho rằng việc thủy điện vận hành để kiếm tiền mà làm người dân địa phương nghèo đi là không thể chấp nhận được” - ông Trang nói.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Krông Nô cho biết từ khi đi vào vận hành tới nay, năm nào người dân địa phương cũng phản ánh việc NMTĐ vận hành gây sạt lở và ngập úng đất sản xuất ven sông Krông Nô. Lãnh đạo NMTĐ Buôn Tua Srah đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh các diện tích bị ảnh hưởng và tiến hành đền bù cho người dân. Hiện tại, Trung tâm đang niêm yết công khai danh sách các hộ và diện tích bị ảnh hưởng tại trụ sở UBND các xã, sau đó sẽ cùng NMTĐ Buôn Tuan Srah tiến hành đền bù theo quy định.

 Khai thác cát làm sạt lở bờ sông

Theo người dân và chính quyền địa phương, ngoài tác nhân chính từ quá trình vận hành nước tại Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah, việc khai thác cát trái phép, khai thác gần bờ… cũng là nguyên nhân gây ra sạt lở đất ven sông Krông Nô. Tại xã Nâm N’Đir, người dân địa phương rất bức xúc trước việc Công ty TNHH MTV Phú Bình đặt bến hút cát gần với trạm bơm số 3 và số 4 của xã, khai thác cát làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông và làm cho mực nước sông xuống thấp, gây khó khăn cho hoạt động của các trạm bơm cũng người dân trong việc sử dụng nguồn nước sông phục vụ sản xuất. Ngoài ra còn có một số đơn vị, cá nhân tại Đắk Lắk và Đắk Nông vẫn thường xuyên tổ chức khai thác cát trái phép tại 2 bờ sông Krông Nô.

 

Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sông Krông Nô sạt lở mạnh vì thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO