Sơn La: Trang trại lợn "bủa vây" khu dân cư

10/10/2016 00:00

(TN&MT) - Theo phản ánh của người dân xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, thời gian qua, trang trại chăn nuôi lợn thuộc Công ty TNHH Chăn nuôi Chiềng Hặc, nằm trên địa bàn bản Nà Phiêng, xã Chiềng Hặc tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm không khí và nguồn nước sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Vị trí trang trại lợn nằm ngay đầu nguồn suối Sập
Vị trí trang trại lợn nằm ngay thượng nguồn suối Sập

Phá rừng... làm dự án?

Trang trại chăn nuôi lợn thuộc Công ty TNHH Chăn nuôi Chiềng Hặc được xây dựng trên một quả đồi, với diện tích 27,89 ha. Trại lợn có quy mô chăn nuôi 1.200 con lợn nái và 10.000 con lợn thịt thương phẩm/năm. Hiện nay, trang trại đang chăn nuôi 1.230 con lợn nái sinh sản, 1.592 con lợn con cai sữa.

Nói về nguồn gốc khu đất này, ông Lò Văn Tá, Phó bản Nà Phiêng, xã Chiềng Hặc cho biết: Trước đây, khu đất này vốn là rừng nguyên sinh, do người dân Nà Phiêng chăm sóc, quản lý. Năm 2002, huyện Yên Châu thu hồi diện tích đất rừng và giao cho doanh nghiệp Minh Hoàng thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái, nhưng đơn vị này không triển khai. Đến năm 2008, doanh nghiệp này phát một phần diện tích rừng để trồng xoan và keo. Năm 2013, doanh nghiệp phá sản, năm 2014 bán đất lại cho Công ty TNHH Chăn nuôi Chiềng Hặc.

Hệ thống quạt thông gió “thổi” mùi hôi của trại lợn ra môi trường.
Hệ thống quạt thông gió “thổi” mùi hôi của trại lợn ra môi trường.

“Diện tích rừng trước đó vốn giao cho người dân bản chăm sóc, khi tiến hành thu hồi, giao đất rừng cho công ty, huyện có hứa với người dân là làm đường và nhà văn hóa cho bản, nên chúng tôi mới đồng ý để doanh nghiệp triển khai dự án, nhưng rồi cũng không thấy thực hiện. Hiện nay, khi trang trại lợn đi vào hoạt động, thì lại gây ô nhiễm môi trường. Buổi sáng khoảng 5-6h, chiều tầm 4-5h, những cánh quạt to thổi mát cho lợn nhưng lại thổi mùi hôi của lợn tỏa xuống khu dân cư. Có 3 bản bị ảnh hưởng trực tiếp từ mùi hôi là bản Nà Phiêng, bản Văng Lùng, bản Cang, nhưng bản này kêu thì trang trại quay quạt thổi sang hướng bản kia. Lần họp HĐND nào chúng tôi cũng phản ánh, kiến nghị lên xã thì xã bảo chỉ có thể nhắc nhở. Giờ kêu cũng không biết kêu ai. Xã có đi kiểm tra nhưng không mời người dân bản nên chúng tôi không nắm rõ tình hình. Chúng tôi cũng mong giải quyết sớm tình trạng ô nhiễm, mùi hôi quá nên dân rất khổ.” – ông Lò Văn Tá mong mỏi.

Bà Lò Thị Xốm, bản Nà Phiêng, xã Chiềng Hặc bức xúc: Mùi hôi khó chịu lắm, nhiều lúc ăn cơm thì không chịu nổi. Bây giờ mùi còn đỡ, chứ cuối năm 2015, mùi nồng nặc cả ngày đêm. Diện tích nương của tôi nằm sát trang trại nên giờ mỗi lần lên nương thì mùi vẫn rất nhiều. Nhất là, con lợn con mới đẻ bị chết vứt bừa bãi ngay cạnh nương của tôi, mùi lắm.

Không chỉ thế, mùi hôi từ trang trại còn ảnh hưởng trực tiếp xuống khu vực các hộ dân xóm Đoàn Kết, xã Chiềng Hặc sinh sống dọc quốc lộ 6. Chị Thanh Tuyền, một hộ dân bán nước cạnh quốc lộ 6 cho biết: Khu vực trại lợn nằm cách biệt trên cao, nhưng cứ tầm rạng sáng và 4-5 giờ chiều, mùi hôi từ chất thải của lợn lại phả thẳng xuống khu vực các quán cơm, quán nước dọc đường này. Mỗi lần có mùi thì dù ở nhà phải bịt khẩu trang. Khách vào nghỉ chân cũng phàn nàn rất nhiều, chúng tôi đã có ý kiến lên nhưng không rõ xử lý kiểu gì, vẫn không thấy chuyển biến.

Đặc biệt, do vị trí trang trại nằm ngay trên đầu nguồn nước, nên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao. Ông Vũ Ngọc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh cấp nước huyện Yên Châu cho biết: Chi nhánh đã đi thị sát và nhận thấy, Trang trại chăn nuôi nằm trên thượng nguồn suối Sập, khu vực cầu Tà Vài, cách khu vực nhà máy nước khoảng 2,5km. Do đây là nguồn nước khai thác chính phục vụ sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân trong huyện nên chi nhánh nước Yên Châu đã có báo cáo lên UBND huyện, Phòng TN&MT huyện, mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, nhưng tới nay chi nhánh cũng chưa nhận được câu trả lời.

Bể sinh học chứa nước thải hiện chưa được lót đáy
Bể sinh học chứa nước thải hiện chưa được lót đáy

Có kiểm tra... nhưng không phát hiện vấn đề?

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hoàng, Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Châu cho biết: Huyện đã nắm được ý kiến của người dân và từ đầu năm tới nay, Phòng TN&MT huyện đã phối hợp với UBND xã Chiềng Hặc tổ chức 3 cuộc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường với đơn vị này.

Trong đó, lần kiểm tra ngày 11/7, kết quả kiểm tra cho thấy: Công ty TNHH chăn nuôi Chiềng Hặc đã đào 4 ao chưa xác định mục đích sử dụng và 1 nền dự kiến xây nhà trên diện tích đất rừng sản xuất với diện tích 6.600m2. Các vị trí đào ao không nằm trong các quyết định cho phép của UBND tỉnh. UBND huyện đã đề nghị đơn vị dừng các hoạt động mở rộng san ủi, cải tạo mặt bằng và đưa các ao trên vào sử dụng, để chờ ý kiến chỉ đạo của các sở, ngành tỉnh.

Đồng thời, sau khi đi kiểm tra, Phòng TN&MT đã tham mưu với UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT kiểm tra việc chấp hành các quyết định của UBND tỉnh trong việc sử dụng đất, rừng, xây dựng; công tác bảo vệ môi trường... với đơn vị này.

“Ngày 26/8, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm Chi cục BVMT tỉnh, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Sơn La, đại diện huyện Yên Châu đã tiến hành kiểm tra. Kết luận sơ bộ cho thấy không phát hiện vấn đề lớn, đoàn kiểm tra đề nghị đơn vị này hoàn thiện các thủ tục và làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường. Mới đây nhất, chúng tôi tiếp tục kiểm tra ngoài thực địa, đoạn từ bản Văng Lùng đến cầu Tà Vài (dọc quốc lộ 6), vào 17h chiều 19/9, có mùi hôi lan tỏa từ hướng khu chăn nuôi Chiềng Hặc xuống khu dân cư.” – ông Trần Văn Hoàng nói.

Cũng theo vị Trưởng phòng TN&MT huyện này, việc lựa chọn vị trí xây dựng trang trại chăn nuôi khá phù hợp, nằm cách biệt khu dân cư, thuận tiện đường giao thông. Nhưng đi kèm đó, việc tuyệt đối hóa về môi trường là khó thực hiện. Không chỉ thế, ở khu vực này cũng có nhiều trang trại chăn nuôi nhỏ quy mô 20-30 con, việc xử lý chưa đảm bảo nên có thể cũng góp phần gây mùi. Hiện nay, huyện mới dừng ở bước kiểm tra, khuyến cáo và đang chờ kết luận cụ thể của Đoàn kiểm tra của tỉnh để trả lời người dân.

Theo ghi nhận của PV, trong quá trình xử lý chất thải, chất thải gia súc được thu gom tại chuồng trại vào các bao dứa và vận chuyển đến kho chứa bên ngoài để cho các hộ trồng cây ăn quả. Nước thải sản xuất được xử lý bằng bể biogas, sau đó được dẫn qua 2 hồ sinh học, song các hồ chưa được lót đáy. Do năng suất chưa đạt nên nước thải mới dừng ở hồ số 3, hồ số 4 chứa nước thải sau xử lý có thể xả ra môi trường vẫn đang bỏ trống.

Theo biên bản kiểm tra ngày 26/8 có nêu: Chất thải gia súc phát sinh khoảng 1m3/ngày. Chất thải nguy hại 5kg/tháng, được thu gom và lưu giữ tại kho chứa chất thải nguy hại. Nước thải sản xuất khảng 10-12m3/ngày đêm. Toàn bộ hệ thống xử lý đặt trên sườn đồi, cao độ so với suối Sập khoảng 60m, xung quanh khu vực là cây lâm nghiệp và nằm trong khuôn viên của cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, nước tự thấm, qua kiểm tra không thấy điểm xuất lộ nước thải ra xung quanh.

Bể chứa nước thải cuối hiện đang để trống
Bể chứa nước thải cuối hiện đang để trống

Bên cạnh đó, Công ty chưa lập, thông báo và thực hiện kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý môi trường. Chưa lập hồ sơ đề nghị kiểm tra xác nhận công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án. Hệ thống xử lý nước thải chưa được lót đáy và nước sau hệ thống xử lý ngầm xuống đất. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở lập hồ sơ theo quy định, tiến hành rà soát, điều chỉnh, đánh giá lại hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo nước thải đầu ra đảm bảo theo tiêu chuẩn môi trường; cần lót đáy 2 hồ điều hòa, bố trí đường nước chảy theo đường dích dắc; bố trí thêm bèo hoặc cỏ để tăng hiệu suất xử lý sinh học, bố trí điểm xả thải để các cơ quan chức năng giám sát được chất lượng và lưu lượng nước sau xử lý.

Như vậy, có hay không việc công ty này gây ô nhiễm môi trường rất cần các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La sớm công bố kết luận kiểm tra, thông báo để người dân an tâm. Tuy nhiên, việc đơn vị này gây ảnh hưởng tới đời sống người dân là có và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước là rất cao, đặc biệt trong thời gian tới, khi quy mô chăn nuôi tiếp tục được mở rộng. Do đó, rất mong chính quyền tỉnh Sơn La cần có những biện pháp cụ thể, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn nguồn nước, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc.

Bài và ảnh: Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Trang trại lợn "bủa vây" khu dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO