Rét đậm, rét hại, sương muối từ ngày 6-12/12 đã làm hơn 2.500ha cà phê bị thiệt hại |
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Tây Bắc, thời tiết trong vụ Đông xuân 2019-2020 có nhiều diễn biến phức tạp, có thể đi kèm nhiều đợt rét đậm, rét hại, sương muối gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Để chủ động thực hiện các biện phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại và sương muối gây ra, đặc biệt là trước, trong và sau Tết, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nắm tình hình, hướng dẫn các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống và khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại, sương muối gây hại cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường cán bộ, công chức, viên chức xuống cơ sở, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại, sương muối để hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và thủy sản, đảm bảo tăng sức đề kháng cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
Chỉ đạo Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, sửa chữa những công trình thủy lợi bị hư hỏng; bảo đảm đủ nước phục vụ tưới cho vụ Đông Xuân; làm tốt công tác quản lý nguồn nước tưới, hướng dẫn tưới tiết kiệm, tưới chủ động khi cần thiết; đánh giá mức độ thiệt hại của cây trồng, vật nuôi và thủy sản do rét đậm, rét hại, sương muối gây ra để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nắm tình hình, chỉ đạo hướng dẫn các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống và khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại, sương muối gây ra |
Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố đánh giá tình hình thiệt hại do rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá đối với cây trồng, vật nuôi; lập hồ sơ đề nghị Nha nước hỗ trợ theo quy định. Tổng hợp tình hình thiệt hại, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Sở Tài chính trước ngày 28/2/2020.
Tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục trên địa bàn toàn tỉnh với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh hàng ngày trước 16h30.
Chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh do sương muối, băng giá, thời tiết khô hanh làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên và rừng trồng; chỉ đạo chăm sóc tốt diện tích rừng mới trồng năm 2018, 2019 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai và cháy rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời cho các huyện, thành phố và trên các phương tiện truyền thông để mọi người dân, nhất là các hộ vùng cao, vùng sâu, vùng xa có biện pháp phòng chống kịp thời.
Hướng dẫn rà soát, tổng hợp mức độ thiệt hại với cây trồng, vật nuôi, thủy sản để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân kịp thời, hiệu quả.
UBND các huyện, thành phố thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá trên địa bàn. Thành lập các đoàn công tác của huyện chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống và khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại, sương muối gây ra. Bố trí nguồn kinh phí dự phòng để kịp thời hỗ trợ ổn định sản xuất cho người dân.
Các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng, thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết và hướng dẫn các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản; các biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất sau đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối gây ra cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản để người dân hiểu và thực hiện.
Trước đó, trong những ngày đầu tháng 12, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại kèm sương muối, băng giá, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ ngày 6-12/12, rét đậm, rét hại, sương muối đã làm hơn 449ha hoa màu, rau màu, cỏ voi; hơn 3.000ha cây trồng (cà phê, xoài, nhãn, chè, mít, bơ, na…) bị thiệt hại.
Các địa phương bị thiệt hại nặng là Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Mường La và thành phố Sơn La.