Sơn La: Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường

31/12/2016 00:00

(TN&MT) – Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Trung tá Nguyễn Trường Doanh, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Sơn La.

Trung tá Nguyễn Trường Doanh, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Sơn La.
Trung tá Nguyễn Trường Doanh, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Sơn La.

PV: Xin ông cho biết, trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát môi trường đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường như thế nào?

Trung tá Nguyễn Trường Doanh: Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Sơn La được thành lập từ năm 2006. Từ đó đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo các cấp, là nhân tố quan trọng đem lại những kết quả đáng ghi nhận trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Bên cạnh đó, Phòng luôn quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ, cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát môi trường, đảm bảo huy động sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị vào thực hiện công tác bảo vệ môi trường, chống suy thoái môi trường.

Trong điều kiện lực lượng cảnh sát môi trường còn mỏng, trang thiết bị còn thiếu, Phòng Cảnh sát môi trường chủ động phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ, cơ quan hữu quan để tranh thủ các thế mạnh, nguồn nhân – vật lực của các đối tác, tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện các quy chế phối hợp với ngành Tài nguyên – Môi trường; Quản lý thị trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

PV: Vậy hiện nay, thực trạng vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn biến ra sao, thưa ông?

Trung tá Nguyễn Trường Doanh: Từ khi thành lập tới nay, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Sơn La đã phát hiện 1.986 vụ, 2.061 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường. Đã khởi tố 155 vụ án với 193 đối tượng. Xử phạt vi phạm hành chính 724 vụ, phạt tiền hơn 2 tỷ đồng. Chuyển các cơ quan khác xử lý hơn 1.000 vụ.

Các vi phạm chủ yếu là vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng; vi phạm về gây ô nhiễm môi trường, vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, quản lý chất thải nguy hại; vi phạm phòng ngừa sự cố môi trường....

Về cơ bản, công tác bảo vệ môi trường bước đầu đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm hơn, nhưng kết quả công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường nói riêng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường ngày một khó khăn hơn. Nguyên nhân do phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi, có sự đối phó với các cơ quan chức năng, đòi hỏi lực lượng phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng và phương tiện, tổ chức nắm tình hình. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe.

Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Sơn La chủ trì rà soát, kiểm tra tình hình khai thác cát trái phép trên Sông Đà, thuộc địa phận các huyện Mường La, Mai Sơn, Bắc Yên.
Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Sơn La chủ trì rà soát, kiểm tra tình hình khai thác cát trái phép trên Sông Đà, thuộc địa phận các huyện Mường La, Mai Sơn, Bắc Yên.

PV:Từ năm 2012 trở lại đây, những tháng cuối năm thường là thời điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước cấp cho thành phố Sơn La diễn biến phức tạp. Vậy năm 2016, Phòng Cảnh sát môi trường đã triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm ô nhiễm nguồn nước như thế nào, thưa ông?

Trung tá Nguyễn Trường Doanh: Theo một số hộ dân trồng cà phê, sản lượng cà phê năm 2016 chỉ bằng 1/5 sản lượng năm 2015. Qua rà soát, số cơ sở tham gia sơ chế, chế biến cà phê quả tươi ở các điểm đầu nguồn nước cung cấp cho thành phố cũng giảm so với năm 2015, còn 6 cơ sở tại thành phố Sơn La, 4 cơ sở tại huyện Thuận Châu.

Từ cuối năm 2015 tới nay, Phòng Cảnh sát môi trường đã tổ chức kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ đề nghị xử lý 11 tổ chức, cá nhân có hành vi xả thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép; tổng số tiền phạt hơn 300 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước.

Nhìn chung, công tác xử lý vi phạm về cà phê còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do nhận thức của cá nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động sản xuất, chế biến cà phê, chăn nuôi còn hạn chế về các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; chưa thấy được tác hại ảnh hưởng đến môi trường lâu dài.

Các cơ sở đã đầu tư máy móc tham gia hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê nhưng do lợi ích trước mắt, chạy theo lợi nhuận, không chú trọng đầu tư đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đảm bảo theo quy định. Với đặc điểm các cơ sở hoạt động sơ chế theo quy mô nhỏ, năng lực về tài chính hạn chế, nên khó khăn để các cơ sở, hộ gia đình tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định và việc chấp hành quyết định xử phạt của một số cơ sở còn chưa nghiêm túc.

PV:Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường, xin ông cho biết, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ triển khai thực hiện những giải pháp cụ thể nào?

Trung tá Nguyễn Trường Doanh: Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ tiếp tục tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lý hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp; nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.

Tăng cường công tác nghiệp vụ để phát hiện các đối tượng vi phạm. Từ đó, lập kế hoạch để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trên tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, xác định tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm để đưa các đối tượng vào diện quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.

Đồng thời, Phòng Cảnh sát môi trường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Mường La, Bắc Yên, Mai Sơn, triển khai có hiệu quả Điều 18 Luật Khoáng sản 2010; thực hiện nghiêm quy định của UBND tỉnh về quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về khoáng sản với UBND các huyện, thành phố.

Các cơ quan chức năng chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cấp phép đầu tư. Quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó tới môi trường về lâu dài. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của các quy hoạch, dự án.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO