Sơn La: Sử dụng tài nguyên nước bền vững

07/07/2015 00:00

(TN&MT) - Trong 6 tháng đầu năm, Sở TN&MT Sơn La đã tiếp nhận, thẩm định 22 hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác tài nguyên nước, trong đó trình UBND tỉnh phê duyệt 14 hồ sơ, 8 hồ sơ đang tiếp tục thẩm định, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho công trình xử lý nước thải của các Bệnh viện đa khoa tuyến huyện và phê duyệt Phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa công trình thủy điện Sơn La.

Những năm gần đây, trước tác động của con người, nguồn nước bề mặt ở nhiều sông, suối trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm, thậm chí cạn kiệt. Vấn đề bảo vệ tài nguyên nước đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, Khí tượng thủy văn, Sở TN&MT Sơn La cho biết: Sơn La là tỉnh có tiềm năng lớn về tài nguyên nước với 35 suối lớn, 2 sông lớn là sông Đà với 32 phụ lưu và Sông Mã với 17 phụ lưu. Tài nguyên nước mặt của toàn tỉnh vào khoảng 19 tỷ m3. Tài nguyên nước ngầm phân bố không đều, mực nước thấp, khai thác khó khăn, tồn tại dưới 2 dạng chủ yếu là tầng chứa nước lỗ hổng phân bố trên diện tích khoảng 172km2 và tầng chứa nước khe nứt các tơ phân bố trên diện tích khoảng 140.000km2.

Thực tế những năm qua cho thấy, việc quản lý sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước chưa tốt làm cho các nguồn nước đang bị suy thoái, nhiều nơi bị ô nhiễm. Có thể kể đến một số hoạt động sản xuất gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước mặt như hoạt động sản xuất của Công ty CP Mía đường Sơn La và Nhà máy tinh bột sắn Sơn La gây ô nhiễm suối Nậm Pàn (Mai Sơn); xả chất thải sinh hoạt trực tiếp gây ô nhiễm  suối Nậm La (thành phố); việc sơ chế nông sản gây ô nhiễm nguồn nước ở thành phố Sơn La, Mai Sơn, Thuận Châu…

Nguồn nước mặt suối Nậm Pàn (huyện Mai Sơn) bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động sản xuất  từ CTCP Mía đường Sơn La
Nguồn nước mặt suối Nậm Pàn (huyện Mai Sơn) bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động sản xuất từ CTCP Mía đường Sơn La

Đặc biệt, quá trình xây dựng thủy điện và hàng loạt các công trình hạ tầng phụ trợ gây tác động tới dòng chảy và hệ sinh thái nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, số lượng và sự đa dạng sinh học nguồn nước. Tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc diệt cỏ của nông dân trong sản xuất nông nghiệp… càng làm nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt tăng cao.

Để bảo vệ nguồn nước, Sở TN&MT Sơn La đã thực hiện nhiều cuộc thanh, kiểm tra về tình hình chấp hành pháp luật về tài nguyên nước với các đơn vị khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Kết quả cho thấy, trước năm 2012, không đơn vị nào được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định. Khoảng 3 năm trở lại đây mới có khoảng 40 đơn vị được cấp phép khai thác tài nguyên nước.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do một số văn bản hướng dẫn quản lý tài nguyên nước còn chưa hoàn thiện như chưa có thông tư hướng dẫn thu tiền cấp quyền khai thác, sử dụng nước… nên khó tổ chức triển khai. Cộng thêm đội ngũ cán bộ chuyên môn ngành tài nguyên nước thuộc Sở TN&MT chỉ có 2 thành viên, lực lượng cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, xã hầu như không có, nên công tác quản lý, tuyên truyền bảo vệ tài nguyên nước rất hạn chế.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định 3603/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước (nội dung bảo vệ tài nguyên nước) tỉnh Sơn La từ năm 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây sẽ là cơ sở góp phần hài hòa giữa khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, chủ động phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước.

Theo đó, từ nay tới năm 2030, Sơn La sẽ xử lý trên 80% các nguồn gây ô nhiễm liên quan đến môi trường nước tỉnh Sơn La như rác thải sinh hoạt, công nghiệp được thu gom, phân loại, xử lý. 70% các bệnh viện, trung tâm y tế, khu công nghiệp, các mỏ, cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản… có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn. Xây dựng đạt 70% hành lang bảo vệ nguồn nước cho các sông, suối hồ chứa và các vùng nước quan trọng.

Đồng thời, để khắc phục tình trạng suy giảm, ô nhiễm nguồn nước, tỉnh Sơn La chú trọng làm tốt công tác trồng, khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ lưu vực các sông, tăng cường năng lực, thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức đang khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước…

Cùng với đó, tỉnh Sơn La chủ trương huy động các nguồn vốn để xây dựng các công trình điều hòa nguồn nước ở các khu vực có nguy cơ thiếu nước trong tương lai như tiểu vùng Nậm Pàn, Sập Vạt, Suối Muội... Xây dựng các công trình phòng chống sạt lở đất tại những vùng có nguy cơ cao như Mường La, Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên.

Bài và ảnh: Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Sử dụng tài nguyên nước bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO