Sơn La: Nỗ lực xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

17/10/2017 00:00

(TN&MT) - Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La năm 2018 vừa được UBND tỉnh Sơn La ban hành nêu rõ, năm 2018, tỉnh Sơn La sẽ tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sẽ tập trung hỗ trợ, xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc như: cải tạo môi trường bãi chôn lấp rác thải rắn bản Khoang, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La; xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản tập trung…

Trong 2 năm 2016 - 2017, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014, tỉnh Sơn La đã giao Sở TN&MT cùng các cơ quan chức năng triển khai quan trắc chất lượng môi trường tỉnh Sơn La năm 2016 và 2017. Đào tạo, phối hợp liên ngành tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Đánh giá thực trạng môi trường thủy sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng hạng mục sơ lắng lọc tự động nhằm bảo vệ nguồn nước tập trung tại huyện Thuận Châu. Xây dựng 200 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đánh giá, xếp loại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong chế biến, kinh doanh thực phẩm nông sản, thủy sản…

Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, y tế, đã và đang được triển khai như: Dự án khu đô thị suối Nậm La (hợp phần kè nắn suối và thoát nước thải); Dự án thu gom và xử lý nước thải tại thành phố Sơn La, thị trấn Mộc Châu; Dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn tại các huyện trong tỉnh.

Triển khai quan trắc chất lượng môi trường tỉnh Sơn La năm 2017
Triển khai quan trắc chất lượng môi trường tỉnh Sơn La năm 2017

Bên cạnh đó, từ năm 2016 tới nay, đã thẩm định và phê duyệt 71 Báo cáo đánh giá tác động môi trường; 27 đề án bảo vệ môi trường chi tiết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường cho 14 cơ sở. Xác nhận khoảng 300 kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Cấp 13 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Đồng thời, triển khai các dự án về bảo tồn đa dạng sinh học như: Điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học tại 4 xã huyện Phù Yên. Lập và triển khai các dự án Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học khu rừng đặc dụng Copia, Xuân Nha, Sốp Cộp, Tà Xùa… Điều tra, đánh giá sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh.

Về kết quả cụ thể, tới nay, 85% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch; 94% dân cư được sử dụng nước sạch đô thị; 71,4% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 88% chất thải rắn đô thị được thu gom; 100% chất thải rắn y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,5%.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2017 của tỉnh Sơn La cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Hoạt động thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật về môi trường. Rà soát, hỗ trợ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường với khai thác khoáng sản; đề án bảo vệ môi trường, xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện đồng bộ.

Tuy vậy, tiến độ triển khai một số dự án, đề án về bảo vệ môi trường còn chậm. Sự phối kết hợp giữa các ngành trong triển khai các dự án xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng còn hạn chế. Việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường ở cấp huyện chưa được quan tâm, tập trung để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm ở cấp huyện về môi trường. Công tác xử lý chất thải y tế tại tuyến xã, thu gom chất thải sinh hoạt tại tuyến xã, các cụm dân cư chưa được quan tâm và đầu tư nhiều.

Tới nay, 88% chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La được thu gom, đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp. Dự kiến năm 2018, tỷ lệ thu gom sẽ đạt 89%
Tới nay, 88% chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La được thu gom, đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp. Dự kiến năm 2018, tỷ lệ thu gom sẽ đạt 89%

Năm 2018, tỉnh Sơn La đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, sẽ tập trung hỗ trợ, xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc ở tỉnh, như: cải tạo môi trường Bãi chôn lấp rác thải rắn bản Khoang, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La; xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản tập trung…

Công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, sẽ xây dựng và tổ chức triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La. Lập đề án xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cho các nhóm dễ bị tổn thương do BĐKH. Nghiên cứu, đưa công nghệ mới, công nghệ thân thiện môi trường vào làng nghề. Phát triển các mô hình sản xuất sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi. Tăng cường kiểm soát việc sử dụng phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật.

Trong công tác quản lý chất thải, tập trung vào quy hoạch, xây dựng hệ thống thu gom nước thải, chất thải rắn tại các đô thị. Áp dụng thử nghiệm mô hình xử lý chất thải rắn bằng lò đốt. Triển khai xã hội hóa công tác xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; ưu tiên bố trí quỹ đất và quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường.

Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước cho Sở TN&MT, các đơn vị trực thuộc. Bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường để thu thập, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin tài nguyên môi trường. Tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng về bảo vệ môi trường với các dự án đầu tư…

Dự kiến, tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2018 là hơn 108 tỷ đồng. Trong đó, chi các nhiệm vụ bảo vệ môi trường hơn 58 tỷ đồng. Dự phòng khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường, hỗ trợ thu gom, phân loại, vận chuyển xử lý và chôn lấp rác thải sinh hoạt 50 tỷ đồng.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, Sơn La sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn về môi trường, phối hợp với các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực về môi trường, bồi dưỡng kiến thức quản lý môi trường cho các cán bộ quản lý nhà nước các cấp.

Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các trường học, giáo dục truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó và bảo vệ môi trường. Các tổ, bản, khu dân cư đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước để tổ chức thực hiện.

Kiện toàn tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý về môi trường các cấp. Đảm bảo phòng TN&MT cấp huyện có cán bộ chuyên trách về môi trường. Cấp xã bố trí công chức địa chính – xây dựng – môi trường. Các Sở, ban, ngành, đơn vị, các tổ chức kinh doanh cần bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị môi trường cho các cơ quan quản lý môi trường các cấp. Tăng cường thanh, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.

Tỉnh Sơn La cũng đề nghị Chính phủ, Bộ TN&MT bổ sung Sơn La vào quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020 tại Quyết định 16/2007/QĐ-TTg ngày 29/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài và ảnh: Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Nỗ lực xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO