Sơn La: Nhiều vướng mắc phát triển cây "tỷ đô"

26/04/2015 00:00

(TN&MT) - Phát triển mắc ca tại Sơn La là cần thiết và phù hợp ở nhiều góc độ. Song, làm sao để phát triển bền vững thì phải triển khai đồng bộ rất nhiều giải...

 

(TN&MT) - Từ năm 2000, gia đình bà Hà Thị Trang ở bản Thẳm, phường Chiềng Sinh, TP. Sơn La đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm 135 cây trên diện tích 0,26ha. Sau 15 năm, gia đình hiện còn 117 cây cho sản lượng quả trong vườn đạt khoảng 4.000kg quả tươi, sản lượng bình quân 34kg quả/cây, giá bán ngoài thị trường 350.000 đồng/kg.

Bà Hà Thị Trang cho biết, đa số mắc ca sau 3 - 4 năm đã ra hoa và đậu quả, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, đạt năng suất ổn định từ năm thứ 6 trở đi. Mắc ca là loại cây rất dễ trồng, tốn ít thời gian chăm sóc, ít có sâu bệnh, dễ thu hoạch. Đây cũng là loại cây phát triển được trong thời tiết nắng nóng và không bị ảnh hưởng bởi sương muối, giá rét.

Tại Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Sơn La, 1,5ha trồng mắc ca khảo nghiệm từ năm 2003 đã cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả tươi năm 2014. Sau gần 3 năm thực hiện dự án “Nhân giống và trồng thâm canh cây mắc ca”, trung tâm đã xây dựng mô hình nhân giống mắc ca bằng phương pháp ghép cành với công suất 20.000 cây/năm. Cây con sản xuất tại vườn ươm đã được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Ông Đào Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Sơn La đánh giá, mắc ca sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc, năng suất cao. Có cây cho thu hoạch một mùa 50 kg quả tươi, có thể tận dụng trồng xen với các loại cây trồng khác như cà phê, đậu, lạc…

Công ty cổ phần 199 Mộc Châu cũng đưa vào trồng thử nghiệm 14ha mắc ca tập trung và khoảng 300 cây trồng phân tán. Sau 5 năm trồng, 100% các cây trổ hoa và đang đậu quả, ước đạt 4kg quả/cây. Dự kiến mỗi héc ta mắc ca năm 2015 thu khoảng 70 triệu đồng. Nếu được đầu tư tốt về kỹ thuật, phân bón, nước tưới thì năng suất sản lượng và thu nhập sẽ cao hơn. Trong khi đó, nông dân vẫn trồng được cây ngắn ngày như: ngô, lúa mà  không bị ảnh hưởng về sản lượng.

Ông Dương Gia Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, cho biết: Cây mắc ca đã được đưa vào trồng tại Sơn La từ những năm 2000. Đến nay, tổng diện tích trồng và khảo nghiệm mắc ca gần 90ha, phân bổ tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và TP Sơn La. Trong đó, đã có 15 dòng được khảo nghiệm và được công nhận 4 dòng cho sản lượng, năng suất cao.

Một số mô hình đang ở giai đoạn ổn định, cho sản lượng quả tương đối cao. Tại bản Nong Ỏ, xã Púng Tra, huyện Thuận Châu, sản lượng bình quân khoảng 20-30 kg/cây, năng suất đạt 1,5 tấn quả/2,5ha.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Sơn La, mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, sinh trưởng và phát triển khá. Thu nhập của người dân trồng mắc ca cao hơn một số loài cây khác.

Tuy nhiên, để phát triển mắc ca ở diện rộng còn rất nhiều vướng mắc. Việc trồng và phát triển mắc ca đang còn tự phát, diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được vùng nguyên liệu tập trung. Chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào đứng ra thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm nên thị trường trồng, kinh doanh mắc ca ở Sơn La chưa được hình thành.

Cộng thêm tỉnh Sơn La chưa có quy hoạch, chính sách hỗ trợ trồng và phát triển mắc ca. Giá giống mắc ca tương đối cao, dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/cây ghép. Nếu không có kế hoạch cụ thể, các cơ sở sản xuất giống đảm bảo thì người dân, người trồng mắc ca dễ mua phải giống thực sinh, ảnh hưởng đến chất lượng quả sau này.

Phát triển mắc ca tại Sơn La là cần thiết và phù hợp ở nhiều góc độ. Song, làm sao để phát triển bền vững thì phải triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp. Trước mắt, việc tìm kiếm doanh nghiệp làm “bà đỡ”, liên kết với người dân từ khâu sản xuất giống, trồng, chế biến và bao tiêu sản phẩm là một trong những vấn đề cấp thiết nhất.

Cộng thêm, mắc ca là loài cây mới, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La khuyến cáo, việc phát triển trên diện rộng cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là đất đai, đặc tính sinh thái, thị trường tiêu thụ.

Bài & ảnh: Nguyễn Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Nhiều vướng mắc phát triển cây "tỷ đô"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO