Sơn La: Lũ quét, sạt lở gia tăng vì biến đổi khí hậu

11/11/2014 00:00

(TN&MT) - Là một tỉnh miền núi, Sơn La luôn phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai như: Sạt lở đất, lũ lụt, lũ quét…

   
(TN&MT) - Là một tỉnh miền núi, Sơn La luôn phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai như:  Sạt lở đất, lũ lụt, lũ quét… những năm gần đây lại đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
   
Đối mặt với nhiều hiểm họa từ BĐKH
   
  Trong những năm qua, do ảnh hưởng chung của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng chịu ảnh hưởng, diễn biến thời tiết phức tạp, cực đoan; thiên tai xảy ra bất thường và khó lường. Năm 2013 thiên tai, mưa, lũ đã làm chết 13 người, mất tích 2 người; bị thương 21 người; 194 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 10.247 nhà hư hỏng, tốc mái; 742 nhà bị sạt lở, 372 nhà phải di dời; thiệt hại 1.646 ha lúa, 4.400 ha ngô; 338 danh mục công trình thủy lợi, 27 km kênh mương; sạt lở sa bồi 3387.800 m3 và hư hỏng 18 danh mục công trình giao thông... Tổng thiệt hại do thiên tai và mưa lũ năm 2013 ước tính 315 tỷ đồng.
   
   
Di dời nhà khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất
   
  Năm 2014, tình trạng thời tiết tiếp tục không ổn định, mưa lũ ngày càng diễn biến ra nhiều hơn, phức tạp hơn. Điển hình là cơn bão số 2 vào tháng 7/2014, đã làm 3 người chết, 41 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, sạt lở, ngập, hư hỏng, 151 hộ phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt là bản Bỉa, bản Cướn, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai xuất hiện vết nứt cả quả đồi phía đằng sau bản, cung trượt kéo dài từ bản Cướn đến hết bản Bỉa, sụt lún vùi lấp toàn bộ 4 nhà dân và gây nguy cơ sạt trượt cả 2 bản, 62 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
   
Tăng cường các giải pháp ứng phó
   
  Các chuyên gia nghiên cứu về khí hậu cho rằng: Là một tỉnh miền núi, Sơn La luôn phải hứng chịu hậu quả nặng nề do BĐKH gây ra, thể hiện rõ thông qua các loại hình thiên tai như: lũ quét, sạt lở… do đó, thời gian qua, tỉnh Sơn La gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Ngoài ra, tỉnh còn có số lượng người dân tộc thiểu số rất lớn, đây là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất đối với những thách thức do BĐKH gây ra. Hiện nay,  BĐKH đang là một trở ngại cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo của tỉnh cũng như cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
   
  Theo kịch bản BĐKH, Sơn La cũng đang đứng trước nhiều lo ngại do BĐKH trong tương lai sẽ xảy ra nhiều hơn và nặng nề hơn. Kịch bản cho thấy, tỉnh Sơn La đến năm 2020, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 0,4 - 0,650C so với giai đoạn 1980 - 1999; nhiệt độ trung bình năm đến năm 2050 tăng từ 1 - 1,70C; nhiệt độ trung bình năm đến năm 2100 tăng từ 2 - 3,30C; số ngày có nhiệt độ tối cao lớn hơn 350C có xu hướng tăng lên, số ngày có nhiệt độ dưới 130C có xu thế giảm dần, lượng mưa hàng năm trên toàn lãnh thổ Sơn La tăng theo thời gian, nếu như năm 2010, lượng mưa tại trạm Bắc Yên chỉ tăng 1,3% và tại trạm Sông Mã  tăng 0.6% nhưng đến năm 2050, lượng mưa tại hai trạm này sẽ tăng tương ứng là 4,7% và 2,2% và đến năm 2100 sẽ  là 6,4% và 2,4%.
   
  Cũng theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu của Viện Khoa học KTTV &BĐKH, chính do cường độ mưa lớn tăng, nên nguy cơ xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi như Sơn La tiếp tục tăng cao cả về diện tích và tần suất. Do đó, để ứng phó với BĐKH, giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La cần tập tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động ứng phó với BĐKH. Trong đó,  công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất cần tập trung theo hướng phòng là chính. Với hướng này thì tỉnh Sơn La cần căn cứ vào thông báo quả điều tra, đánh giá phân vùng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của Bộ TN&MT và các bộ bản đồ kèm theo cho những vùng đã được cảnh báo để lập phương án phòng tránh tốt nhất.
   
  Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường khả năng chống chịu rủi ro, không chỉ của một vùng riêng lẻ mà còn của cả khu vực. Tận dụng kinh nghiệm bản địa để xác định các khu vực có nguy cơ cao, đề xuất giải pháp phòng, chống.
  Ngoài ra, cần tập trung nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng thông qua tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH; tập huấn, hướng dẫn người dân cách ứng phó với thiên tai. Đồng thời, cần tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các giải pháp ứng phó và thích nghi với BĐKH mang tính phối hợp trong khu vực.
   
Linh Nga
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Lũ quét, sạt lở gia tăng vì biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO