Sơn La: Kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công

30/09/2016 00:00

(TN&MT) – Theo Kế hoạch 119/KH-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Sơn  La, về thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ gạch thủ công, đối với địa bàn phường, thị trấn, vùng 1, vùng 2, việc xóa bỏ lò gạch thủ công phải hoàn thành trước ngày 30/12/2015. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện lộ trình này tại một số huyện, thành phố còn chậm, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các cơ quan, ban ngành có liên quan.

9 lò gạch thủ công trên địa bàn đã gây nhiều ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân Tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu
9 lò gạch thủ công trên địa bàn đã gây nhiều ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân Tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu

16 năm “sống chung” với khói lò

16 năm, gần 40 hộ dân tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu, tỉnh Sơn La phải sống chung với ô nhiễm môi trường do khói đốt từ 9 lò gạch thủ công nằm trên địa bàn gây ra.

Ông Phạm Thành Đồng, Bí thư chi bộ Tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu cho biết: Các lò gạch thủ công được xây dựng từ những năm 2000, trên diện tích đất 5% của xã. Chủ lò chủ yếu là người dân địa phương, đã giúp giải quyết việc làm cho gần 50 lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, hệ lụy trực tiếp từ  khói lò gạch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, và ngay cả bản thân người dân làm gạch.

“Cả một khu vực lúc nào cũng như bị “hun” trong khói lò. Sức khỏe bị ảnh hưởng, hàng chục ha cây cối, hoa màu không cho thu hoạch. Rau trồng đem bán không ai mua, trồng xoài thì cây òi cọc, không lớn được. Người dân chúng tôi rất bức xúc, nhưng chúng tôi đã được huyện thông báo lộ trình xóa bỏ các lò gạch này nên phải tạm chấp nhận sống chung với lũ” – ông Phạm Thành Đồng cho biết thêm.

Được biết, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là một trong những địa phương có nhiều lò gạch thủ công đang hoạt động với 9 lò gạch, tập trung trên địa bàn tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu. Theo đúng kế hoạch đã được UBND tỉnh Sơn La đề ra, đáng lẽ, các lò gạch trên địa bàn phải xóa bỏ trước ngày 30/12/2015. Thế nhưng, thời điểm đó, các hộ dân đã xin gia hạn thêm để có thời gian chuyển đổi sản xuất. Sang năm 2016, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế Hạ tầng chủ trì phối hợp với UBND các xã, thị trấn có lò gạch, lò ngói, đến từng chủ lò gạch tổ chức ký cam kết dừng hoạt động trước ngày 30/6/2016, và được các hộ dân nhất trí cao.

Các lò gạch được gia hạn hoạt động tới hết tháng 12/2016
Các lò gạch được gia hạn hoạt động tới hết tháng 12/2016

Song, do 9 lò gạch chưa sử dụng hết chất đốt nên muốn tận dụng để tránh lãng phí. Vì thế, UBND huyện tiếp tục chấp thuận cho các lò gạch hoạt động tới hết tháng 12/2016.

Lý giải nguyên nhân, ông Hà Như Huệ, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: Về cơ bản, các hộ, người lao động còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có kinh phí để chuyển đổi nghề nghiệp. Người lao động sản xuất gạch là lao động phổ thông, trình độ thấp và độ tuổi trung bình từ 45-50 tuổi, do đó khó đào tạo nghề mới. Việc chuyển đổi nghề khó do địa bàn hẹp, chưa có các nhà máy gạch công nghệ mới, chất lượng cao.

“Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chi đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền đến các hộ và giám sát chặt chẽ để xóa bỏ số lò gạch thủ công còn lại. UBND huyện Yên Châu mong muốn, UBND tỉnh xem xét, bổ sung quy hoạch sản xuất vật liệu nhằm tạo điều kiện cho nhân dân khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ thực sự khó khăn để họ có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp” – ông Hà Như Huệ cho biết thêm.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Theo đúng lộ trình, các lò gạch thủ công tại các phường, thị trấn, vùng 1, vùng 2 trên địa bàn tỉnh Sơn La phải xóa bỏ trước ngày 30/12/2015. Riêng với các xã vùng 3, lộ trình hoàn thành trước ngày 30/12/2017. Đồng thời, không cấp phép đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu than, dầu, khí trên toàn tỉnh.

Ông Trần Khắc Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La cho biết: Qua theo dõi, tổng hợp số liệu rà soát các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng lò gạch đất sét nung, lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh, đến nay, tổng số lò gạch thủ công còn lại là 26 lò gạch, công suất 11,47 triệu viên/năm. Số lò vôi thủ công còn 1 lò với tổng công suất 10 tấn/ngày, tại huyện Mộc Châu.

Huyện Yên Châu là địa phương còn nhiều lò gạch thủ công đang hoạt động
Huyện Yên Châu là địa phương còn nhiều lò gạch thủ công đang hoạt động

Nhìn chung, so với thời điểm trước khi UBND tỉnh Sơn La ban hành kế hoạch số 119/KH-UBND, số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng lò nung thủ công đã giảm đáng kể. Tại một số huyện như Phù Yên, Vân Hồ đã xóa bỏ hoàn toàn các lò thủ công. Tuy nhiên, một số huyện vẫn chưa thực hiện đúng lộ trình đề ra, còn tồn tại từ 1-9 lò thủ công như Yên Châu, thành phố Sơn La... Cá biệt, tại huyện Thuận Châu còn để phát sinh thêm 4 lò gạch thủ công.

“Vừa qua, Sở Xây dựng Sơn La đã tiến hành kiểm tra việc xóa bỏ các lò gạch thủ công tại huyện Mai Sơn, Yên Châu, thành phố Sơn La, là 3 đơn vị còn tồn tại nhiều lò gạch đất sét nung thủ công. Có thể thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc chuyển đổi mô hình sản xuất của các cơ sở sản xuất gạch thủ công sang sản xuất theo công nghệ mới gặp nhiều do nguồn vốn lớn; trong khi chính sách của nhiều địa phương về khuyến khích chuyển đổi mô hình và thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây không nung chưa cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong quá trình chỉ đạo, thực hiện việc xóa bỏ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng lò nung thủ công trên địa bàn” – ông Trần Khắc Sơn cho biết.

Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất nắm bắt được chủ trương, kế hoạch của tỉnh, huyện để chủ động phương án sản xuất, chuyển đổi mô hình theo lộ trình. Dự kiến, đến hết tháng 12/2017, hoàn thành việc xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn.

Để thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra, hiện nay, Sở Xây dựng đã có đề nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện theo lộ trình đã đề ra. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất vật liệu sử dụng lò nung thủ công, đối chiếu với lộ trình thực hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lộ trình theo quy định.

Bài & ảnh: Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO