Sơn La: Dành hơn 460 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa thủy lợi

23/11/2018 09:45

(TN&MT) –  Trước nguy cơ xuống cấp, hư hỏng của một số hồ chứa thủy lợi, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm thiểu rủi ro do sự cố đập, hồ chứa thủy lợi, đảm bảo an toàn hơn và mang lại hiệu ích kinh tế gia tăng cho người dân vùng hạ du.

Thực hiện Đề án sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an toàn hơn cho người dân vùng hạ du, mang lại hiệu ích kinh tế gia tăng, tăng số người sử dụng nước
Thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an toàn hơn cho người dân vùng hạ du, mang lại hiệu ích kinh tế gia tăng, tăng số người sử dụng nước

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Sơn La có 2.689 công trình thủy lợi, gồm 105 hồ chứa; 970 đập xây, 146 phai rọ thép, 1.330 phai tạm với 3.022 km kênh mương, gồm 1.409 km kênh kiên cố, 169,3 km đường ống, 1.626.5 km kênh đất, đảm bảo cấp nước cho 31.053,67 ha lúa, hoa màu và thủy sản.

Trong số 105 hồ chứa thủy lợi, có 14 hồ lớn có dung tích chứa từ 0,5 triệu m3 trở lên, còn lại là các hồ chứa nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ nhiều năm trước, không phù hợp điều kiện mưa, lũ cực đoan hiện nay, thiếu kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản vùng hạ du.

Hiện vẫn còn tình trạng lấn chiếm lòng hồ, hành lang bảo vệ đập nhưng chưa được các cấp chính quyền cơ sở quan tâm phối hợp giải quyết như hồ bản Mòn, hồ Noong Thanh, hồ Huổi Vanh… Công tác cắm mốc phạm vi chỉ giới bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi hầu như chưa được quan tâm đúng mức, gây nhiều khó khăn trong quản lý khai thác các hồ đập thủy lợi.

Tất cả các đập, hồ chứa nước đều có hình thức tràn xả lũ tự do, không có cửa van, hầu hết chưa được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du đập.

Đặc biệt, hồ Lái Bay, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu có xuất hiện hố sụt gây mất nước ở lòng hồ; hồ Noong Đúc, thành phố Sơn La đập đất bị thấm qua thân ở mức nặng, không đủ khả năng tích nước mùa khô 2017-2018. Còn lại 7 hồ chứa bị xuống cấp, hư hỏng nhưng đã được đưa vào chương trình Sửa chữa, nâng cao an toàn đập WB8.

Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ đập còn hạn chế, nhiều vụ vi phạm về hành lang bảo vệ đập còn diễn ra, như: Cấp đất trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước; đục khoét kênh mương, lấn chiếm đất hành lang là phổ biến…

Trước thực tế đó, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.

Nâng cao năng lực dự báo mưa lũ, vận hành hồ chứa hợp lý, điều tiết xả lũ liên hồ chứa, tiến tới vận hành theo thời gian thực. Rà soát, lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, hệ thống giám sát vận hành với các hồ chứa lớn. Tăng cường phối hợp liên ngành để dự báo, cảnh báo lũ, vận hành hồ chứa và phòng chống lũ cho vùng hạ lưu đập. Lập danh mục các đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn.

Bảo đảm 100% cán bộ làm công tác quản lý hồ chứa được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác quản lý hồ chứa nước, đồng thời, tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân vùng hưởng lợi nắm được quan trọng của công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Kinh phí thực hiện Đề án là hơn 487 tỷ đồng, trong đó, kinh phí sửa chữa, nâng cấp các hồ đập là hơn 467 tỷ đồng; từ nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương.

Việc thực hiện Đề án sẽ góp phần quan trọng giảm thiểu rủi ro do sự cố đập, hồ chứa thủy lợi. Người dân ở hạ du sẽ được đảm bảo an toàn hơn, cải thiện vận hành hồ đập sẽ mang lại hiệu ích kinh tế gia tăng do tăng diện tích nông nghiệp được cung cấp nước tưới, tăng số người sử dụng nước. Đề án phù hợp Chiến lược Quốc gia về ứng phó BĐKH, đề án tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Dành hơn 460 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO