Sơn La đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả gắn với phục hồi sản xuất và với bảo vệ môi trường

Nguyễn Nga| 27/08/2021 12:21

(TN&MT) - Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm tới nay, tỉnh Sơn La luôn xác định, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Song song đó, siết chặt công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19.

Sơn La đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản bền vững.

Phát huy thế mạnh phát triển cây ăn quả

Đến ngày 26/8, tỉnh Sơn La đã ghi nhận 179 ca dương tính với Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để duy trì, ổn định và phục hồi sự phát triển kinh tế.

Theo số liệu thống kê từ UBND tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 13.122 tỷ đồng, tăng 10,67% so với cùng kỳ. Thu ngân sách trên địa bàn 7 tháng tăng 29% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tốt, phát huy lợi thế của tỉnh về cây ăn quả trên đất dốc.

Từ đầu năm tới nay, dù có tới hơn 100 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký giải thể, tạm ngừng kinh doanh, nhưng cũng có 251 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 2.300 tỷ đồng; 51 HTX thành lập mới, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Trong 7 tháng năm 2021, tỉnh Sơn La đã cấp mới chủ trương đầu tư 14 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư ban đầu 1.454 tỷ đồng.

Là địa phương có thể mạnh về phát triển cây ăn quả, năm 2021, tỉnh Sơn La có gần 80.000ha cây ăn quả. Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, kéo dài, Sơn La đã xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh và phương án tiêu thụ, xuất khẩu với từng loại nông sản, với mục tiêu giữ được thương hiệu, mức giá tiêu thụ hợp lý.

Hỗ trợ HTX, doanh nghiệp, người dân tiêu thụ sản phẩm nhãn.

Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư xây dựng kho bảo quản, contener bảo quản, lò sấy, máy móc thiết bị để sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn, xoài, mận, chanh leo và các loại rau trên địa bàn tỉnh. Chủ động tổ chức nhiều giải pháp phù hợp tình hình, điều kiện thực tế như hội nghị trực tuyến, thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ qua zalo, livestream… Lần đầu tiên sản phẩm nông sản Sơn La đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, Shopee, Postmart.... góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu 7 tháng ước đạt 71,6 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Tháo gỡ khó khăn trong thu gom, xử lý chất thải y tế

Song song với việc đảm bảo phát triển kinh tế, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai. Đặc biệt là việc thu gom, xử lý chất thải trong phòng chống dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Sở đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh các văn bản hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại nói chung và chất thải trong phòng chống dịch Covid-19 nói riêng.

Sở TN&MT Sơn La đã thành lập đoàn công tác thực hiện khảo sát, đề xuất phương án thu gom, vận chyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn huyện Phù Yên, địa phương ghi nhận 178 ca mắc Covid-19 của Sơn La.

Nỗ lực đảm bảo môi trường trong phòng chống dịch Covid-19.

Hiện nay, Sơn La đang triển khai xử lý rác thải y tế của các khu cách ly tại 11 cụm xử lý chất thải y tế thuộc các bệnh viện trên toàn tỉnh. Qua quá trình triển khai thực tế tại địa phương, cho thấy một số khó khăn. Theo quy định, tất cả chất thải rắn phát sinh tại các khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong cơ sở y tế đều được coi là chất thải lây nhiễm. Do vậy, dẫn đến nguy cơ quá tải trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý. Hiện nay các lò đốt và lò hấp đều phải chạy hết công suất.

Bên cạnh đó. một số bệnh viện đang phải vận hành tối đa hệ thống xử lý chất thải phát sinh do Covid-19 (kể cả ngoài giờ hành chính, nhất là tại bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Một số hệ thống xử lý chất thải rắn sử dụng công nghệ lạc hậu, đến nay đã xuống cấp, sẽ không đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải rắn trong trường hợp chất thải tăng nhanh…

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn cụ thể công tác phân loại, tạm giữ chất thải y tế, bảo quản tập trung các loại chất thải y tế phát sinh liên quan dịch Covid -19 tại các khu cách ly tập trung/phong tỏa, bệnh viện dã chiến, khu vực xét nghiệm, khu vực tiêm chủng, cách ly tại nhà/ nơi lưu trú... và các khu vực khác có liên quan đến hoạt động y tế phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo tuân thủ các quy định, để việc thực hiện được đồng bộ, đáp ứng đúng quy trình và đồng thời thuận tiện cho công tác thu gom, vận chuyển của các đơn vị xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các bệnh viện đã được UBND tỉnh giao xử lý chất thải y tế theo cụm. Căn cứ kết quả rà soát, đề xuất với UBND tỉnh xem xét: Trường hợp hệ thống xử lý hỏng hóc, cần bảo trì, bảo dưỡng, sẽ cấp kinh phí duy tu, bảo dưỡng để tiếp tục vận hành. Trường hợp hệ thống xử lý công nghệ đã lạc hậu, xuống cấp không đủ khả năng tiếp tục xử lý, hoặc không đáp ứng công suất xử lý, đề xuất đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại mới, hoặc hệ thống xử lý chất thải y tế dự phòng.

Sở TN&MT nghiên cứu, đề xuất thành lập Tổ kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường tại các khu cách ly tập trung, cơ sở xét nghiệm, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Trường hợp phát hiện các cơ sở chưa đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, kịp thời hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.

Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, từ đầu năm tới nay, tỉnh Sơn La đã tiêu thụ trên 60.000 tấn xoài, trên 65.000 tấn mận, hơn 1.800 tấn chanh leo, hơn 24.000 tấn chuối…

Hiện đang là thời điểm thu hoạch nhãn, năm 2021, Sơn La có hơn 100.000 tấn nhãn, tập trung tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La... Để hỗ trợ người trồng nhãn, tỉnh sẽ đưa 80.000 tấn nhãn quả tươi vào chế biến long nhãn. Số còn lại sẽ tiêu thụ tại chợ đầu mối, tiêu thụ trong nước tại các hệ thống kênh phân phối siêu thị, các kênh thương mại điện tử và thực hiện xuất khẩu.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả gắn với phục hồi sản xuất và với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO