Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 trên toàn tỉnh đã thu hút hơn 10.000 người tham gia |
Nhiều hoạt động thiết thực góp phần BVMT
Nhằm nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp về BVMT, trong năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường đã được tỉnh Sơn La triển khai dưới nhiều hình thức, đề cập đến nhiều vấn đề như giáo dục pháp luật về BVMT, nguyên nhân, tác hại và cách phòng chống ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; giữ gìn nguồn nước sạch, biểu dương các tấm gương sáng về BVMT...
Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố ban hành văn bản và phát hành 1.500 cuốn sổ tay hướng dẫn về BVMT với cơ sở sơ chế, chế biến cà phê quy mô hộ gia đình; 2.000 cuốn sổ tay hướng dẫn công tác BVMT trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật BVMT với sự tham gia của trên 200 hộ.
Cùng với đó, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày môi trường thế giới năm 2019, toàn tỉnh đã huy động trên 30.000 người tham gia; phát cỏ, phát quang bụi rậm đường giao thông 270km; thu gom 42.300m3 rác; khơi thông 14km cống rãnh; treo 145 băng zôn, khẩu hiệu; trồng mới, chăm sóc 28.800 cây xanh…
Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn đã có hơn 10.000 người tham gia; phát cỏ, phát quang bụi rậm đường giao thông 200km; khối lượng rác thu gom 12.000m3; khơi thông cống rãnh, đường đi 39km; treo 25 băng zôn, khẩu hiệu hưởng ứng; trồng mới 1595 cây xanh; chăm sóc cây xanh trên diện tích 31,2ha…
Trong năm qua, ngành TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt 21 Báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án khai thác khoáng sản, chăn nuôi, xây dựng khu đô thị và một số lĩnh vực chế biến như sắn, cao su. Kiểm tra xác nhận công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành 5 dự án; phê duyệt phương án cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản 2 dự án.
Thực hiện thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, tập trung vào các nội dung: Tuân thủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, đăng ký hồ sơ chủ nguồn thải, hồ sơ cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, chế độ báo cáo quan trắc môi trường định kỳ hàng năm... Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được tập trung thanh, kiểm tra gồm sơ chế, chế biến cà phê, sắn, dong giềng, chăn nuôi; sạt lở đất đá do thi công công trình thủy điện, khai thác khoáng sản. Qua đó, đã thực hiện thanh tra chuyên ngành về môi trường với 21 cơ sở; xỷ lý vi phạm hành chính 12 cơ sở, tổng tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc ở địa phương đã được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, tập trung giải quyết như: Ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn do hoạt động sản xuất, sơ chế cà phê; ô nhiễm do hoạt động sản xuất đường của Công ty CP Mía đường Sơn La; các hoạt động sạt lở đất do khai thác khoáng sản tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ...
Tập trung bảo vệ, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Sơn La. |
7 nhiệm vụ trọng tâm năm 2020
Có thể nói, năm 2019, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được đẩy mạnh, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm. Công tác chỉ đạo, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường được quan tâm thường xuyên, giải quyết thỏa đáng các điểm nóng về môi trường như ô nhiễm do sản xuất, chế biến cà phê, mía đường, dong sắn, khai thác khoáng sản và hoạt động chăn nuôi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, toàn ngành TN&MT Sơn La hiện có 226 cán bộ quản lý nhà nước về BVMT, trong đó, cấp tỉnh 10, cấp huyện 12 và 204 công chức Địa chính – Xây dựng – Môi trường cấp xã. Ở mỗi xã và cấp huyện chỉ bố trí 1 cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ BVMT; đa số cán bộ cấp xã không được đào tạo chuyên ngành về môi trường, kiến thức, kinh nghiệm về BVMT còn hạn chế, dẫn đến công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Trang thiết bị phục vụ quản lý nhà nước về BVMT ở cấp huyện, xã chưa đảm bảo, việc đánh giá, xác định nguyên nhân, khắc phục ô nhiễm gần như hoàn toàn phụ thuộc vào cấp tỉnh. Mặt khác, nhiều cơ sở nằm ở vị trí có địa hình đi lại khó khăn, do đó việc giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh tại cơ sở còn gặp khó.
Năm 2020, tỉnh Sơn La đặt ra nhiệm vụ xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm khu vực đầu nguồn nước, đặc biệt do ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê, dong, sắn, chăn nuôi trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án: Đầu tư hệ thống xử lý chất thải của các cơ sở công ích nâng cao hiệu quả xử lý chất thải phát sinh; tăng cường năng lực quan trắc nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo các vấn đề môi trường phát sinh; dự án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xây dựng bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; xử lý và tiêu hủy bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Tăng cường thanh, kiểm tra, hậu kiểm, tập trung vào các loại hình sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải lớn như chế biến nông sản, chăn nuôi, khai thác khoáng sản. Thực hiện xã hội hóa công tác BVMT, khuyến khích hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.
Tỉnh Sơn La đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường địa phương cho phù hợp với giai đoạn hiện nay và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn này cho công tác BVMT.
Bổ sung tỉnh Sơn La vào quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia để hỗ trợ các nguồn lực tài chính, nhân lực để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ dự báo thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh, các trạm quan trắc và cảnh báo tự động, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT.