Một bể chứa nước thải cà phê đã được lót bạt theo quy định |
Những năm qua, trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước do hoạt động sơ chế, chế biến cà phê (thường diễn ra vào những tháng cuối năm), tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước do hoạt động sơ chế, chế biến cà phê bằng phương pháp ướt từ các cơ sở chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình vẫn là thách thức không nhỏ.
Trước niên vụ cà phê 2020-2021, từ tháng 7/2020, Sở TN&MT đã ban hành Công văn số 2004/STNMT-QLMT, đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát, thống kê số lượng và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các cơ sở chế biến cà phê, chăn nuôi thuộc thẩm quyền quản lý. Trên cơ sở đó, khẩn trương thành lập tổ công tác, do đồng chí Thường trực UBND làm tổ trưởng, các thành viên gồm công an huyện, các phòng ban của huyện, thành phố, UBND xã, phường, công an xã và tăng cường cán bộ chuyên môn ngành tài nguyên và môi trường. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng huyện, thành phố để xem xét thành lập nhiều tổ công tác, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Sơn La siết chặt kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, của các sơ sở sơ chế cà phê |
Đồng thời, ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, sơ chế chế biến nông sản, chăn nuôi rà soát, thực hiện đúng công tác bảo vệ môi trường (Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế, Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh…)
Cùng với đó, Sở TN&MT đã đề nghị một số sở, ngành, UBND các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố Sơn La và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở TN&MT đã xây dựng Dự thảo Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát với các cơ sở. Dự kiến, sẽ tham mưu để trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra trong tháng 10.
Về các nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục siết chặt kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, của các sơ sở, trong đó, chú trọng loại hình sản xuất, sơ chế cà phê niên vụ 2020-2021.
Tiếp tục đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2617/UBND-KT ngày 14/8/2020, về tăng cường công tác quản lý môi trường đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi; thành lập Đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nguồn nước với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi thuộc đối tượng lập Kế hoạch bảo vệ môi trường (quy mô hộ gia đình, cá nhân), báo cáo kết quả về Sở TN&MT để tổng hợp.
Đôn đốc, yêu cầu các cơ sở hoàn thành xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; lập hồ sơ vận hành thử nghiệm và hồ sơ kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động chính thức.
Sở TN&MT cũng đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị tập huấn lồng ghép Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, hướng tới đối tượng là các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, chế biến nông sản, chăn nuôi. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.