Sơn La: Các địa phương đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong niên vụ chế biến nông sản

Nguyễn Nga| 05/11/2021 05:53

(TN&MT) - Triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nguồn nước với hoạt động chế biến nông sản, thời gian qua, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát với các cơ sở.

Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát với các cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ lẻ.

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Mường La có 9 cơ sở chế biến nông sản, chủ yếu là sơ chế ngô, sắn bằng phương pháp khô nên không phát sinh nước thải; 1 cơ sở chăn nuôi đã được Sở TN&MT tổ chức thanh tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.

Tại huyện Vân Hồ có 4 cơ sở chế biến nông sản đang hoạt động, gồm 1 cơ sở sản xuất chè, 3 cơ sở sản xuất măng khô. Các cơ sở chế biến măng khô đã được đăng ký xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường và đang lắp đặt Hệ thống xử lý nước thải.

Huyện Sốp Cộp có 15 cơ sở chế biến cà phê quả tươi, trong đó, 3 cơ sở đã dừng hoạt động; 12 cơ sở đang hoạt động đều đã đảm bảo quy định về xử lý nước thải.

Tại TP Sơn La, niên vụ 2021-2022, thành phố đã giám sát chặt chẽ với các cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, đến nay không có cơ sở nhỏ lẻ tiến hành hoạt động.

Đảm bảo các cơ sở chế biến nông sản phải có hệ thống xử lý chất thải, không để xảy ra tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Tại huyện Mai Sơn, trong tổng số 91 cơ sở đăng ký chế biến cà phê, có 42 cơ sở đã được UBND huyện xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, các cơ sở còn lại đang triển khai hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và thủ tục môi trường theo quy định; 83/91 cơ sở đã thực hiện đầu tư các hạng mục thu gom, xử lý nước thải sơ chế cà phê; 2 cơ sở sản xuất cà phê sạch tận dụng vỏ không phát sinh chất thải; 6 cơ sở đang hoàn thiện hồ thu gom nước thải.

Năm nay, huyện Thuận Châu có 9 cơ sở đăng ký chế biến cà phê hoạt động, trong đó, 5 cơ sở chưa đảm bảo về môi trường đã dừng hoạt động sản xuất.

Một số huyện khác gồm Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên… do tình hình dịch bệnh Covid-19 vừa qua diễn biến phức tạp nên đang tạm dừng các hoạt động kiểm tra, giám sát.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Với 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra, giám sát trực tiếp định kỳ và đột xuất với các đơn vị. Trên cơ sở kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở cơ bản có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các lĩnh vực khác có liên quan.

Với 3 cơ sở chế biến tinh bột sắn, mía đường, do chưa đi vào hoạt động sản xuất niên vụ 2021-2022, nên Sở TN&MT đã ban hành văn bản đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định. Riêng Công ty CP Mía đường Sơn La, đơn vị đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục, Sở TN&MT đã đôn đốc đơn vị rà soát, truyền số liệu quan trắc khí thải tự động, liên tục về Sở.

Tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất với các cơ sở nông sản quy mô tập trung.

Trong 2 tháng cuối năm 2021, với quyết tâm không để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát với các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung. Đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình sản xuất.

Giao các huyện, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, nguồn nước trong chế biến nông sản, chăn nuôi. Đặc biệt, tại TP Sơn La, huyện Mai Sơn, Thuận Châu tổ chức kiểm tra, giám sát nghiêm các cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, đánh giá khả năng hoạt động của các công trình xử lý chất thải, các công trình lưu giữ nước thải, đảm bảo không để xảy ra tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Chỉ đạo UBND cấp xã cử cán bộ thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động chế biến cà phê, không để phát sinh các cơ sở chế biến tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, biện pháp bảo vệ môi trường hoạt động, đặc biệt vào thời gian từ 18h đến 5h sáng ngày hôm sau gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Trường hợp phát hiện các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, thực hiện đình chỉ và xử lý nghiêm theo quy định.

Tiếp tục yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản tuyệt đối chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất. Khuyến khích các cơ sở chế biến, hộ gia đình đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tăng cường thu mua, sơ chế cà phê quả tươi. Chỉ cho phép hộ gia đình, cơ sở chế biến cà phê sản xuất với công suất phù hợp với khả năng lưu giữ nước thải, chất thải rắn thuộc phạm vi của cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Các địa phương đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong niên vụ chế biến nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO