Nhiều thiệt hại do BĐKH
Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sóc Trăng thuộc tiểu vùng cửa sông Cửu Long theo sông Hậu, vào mùa kiệt, lượng nước ngọt từ thượng nguồn chảy về rất hạn chế. Mặt khác do độ dóc của lòng sông nhỏ, địa hình thấp, nên nước mặn tiến sâu vào nội đồng. Trong thời gian qua, độ mặn xâm nhập vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch của tỉnh đang có diễn biến bất thường và phức tạp, thay đổi cả về thời gian, phạm vi và nồng độ.
Cụ thể, năm 2015, hầu hết các nơi trong tỉnh Sóc Trăng đều bị mặn xâm nhập, năm 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, BĐKH tác động mạnh tới tình hình thời tiết ở tỉnh Sóc Trăng làm mặn xâm nhập sớm, độ mặn cao, tiến sâu vào nội đồng và thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn làm thiệt hại hơn 31.560 ha lúa, hoa màu, mía, cây ăn trái, thủy sản của người dân trong tỉnh Sóc Trăng.
Trong 02 năm 2016 - 2017, do ảnh hưởng từ các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển đông, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn xuất hiện nhiều đợt lốc xoáy, mưa giông đã làm 6 người chết, 276 căn nhà bị ảnh hưởng. Trong đó, 73 căn nhà bị sập hoàn toàn, trên 6.700ha diện tích nuôi trồng thủy sản và cây trồng bị thiệt hại từ 30 đến 70..., ước tổng thiệt hại hơn 1.100 tỉ đồng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của BĐKH trên địa bàn tỉnh có 7.114m bờ sông, bờ biển ở các huyện Kế Sách, Long Phú, TX.Vĩnh Châu,... bị sạt lở, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Nhằm chủ động ứng phó với BĐKH, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo cho các Sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH: xây dựng cũng như ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011 - 2015; rà soát, lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH, nước biển dâng vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành.
Cùng với đó, củng cố, xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê; đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị, khu dân cư nông thôn ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; triển khai dự án thí điểm trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tỉnh Sóc Trăng; triển khai dự án củng cố và nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm điện bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất; điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi và nâng cấp hệ thống công trình trong điều kiện ứng phó với BĐKH... trên địa bàn tỉnh.
Các giải pháp ứng phó
Cũng theo ông Lê Văn Hiểu, Sóc Trăng là tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, trong thời gian qua, trước thực trạng xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày một nghiêm trọng và hết sức phức tạp, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nghiên cứu các công nghệ tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm nước và nâng cao năng xuất cây trồng; phát triển và chọn tạo giống cây trồng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi, bảo tồn các giống cây trồng địa phương và thành lập ngân hàng giống.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn nhằm thích ứng với BĐKH tại TX.Vĩnh Châu với diện tích 85ha; xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn trữ ngọt các địa bàn xung yếu; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, tích ứng với BĐKH ở vùng Cù Lao Dung.
Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm với các giống lúa theo hướng bền vững, cải thiện môi trường, tăng thu nhập cho người dân hay mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng; mô hình chuyển đổi cây trồng từ mía sang cây có múi... trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với BĐKH, vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Mục tiêu của Kế hoạch này là tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các huyện, thị, thành phố; giao thông đường bộ, đường thủy phát triển đồng bộ, kết nối trong tỉnh, liên tỉnh và đảm bảo kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ với hệ thống thủy lợi, đê điều; xây dựng nông thôn mới thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường...
Để Kế hoạch triển khai đạt được hiệu quả theo mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Sóc Trăng giao cho Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư, trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro; dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và người dân về BĐKH và các thách thức đang đặt ra đối với ĐBSCL và tỉnh Sóc Trăng; chủ động trong thích ứng với BĐKH và các tác động khác từ thượng nguồn; kêu gọi, huy động nguồn lực nhằm bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng, nhất là hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, ven sông.
Mặt khác, cập nhập, hoàn thiện kịch bản BĐKH và nước biển dâng tỉnh Sóc Trăng đến năm 2100 theo kịch bản do Bộ TN&MT công bố làm cơ sở bổ sung, cập nhật chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối hợp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xây dựng chương trình truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH… trên địa bàn tỉnh.
Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng ưu tiên bố trí vốn cho các công trình lớn, có tác động liên vùng, liên ngành phục vụ đa mục tiêu, nhất là giao thông, thủy lợi, đảm bảo phát huy tối đa lợi thế, hạn chế tác động bất lợi do BĐKH. Sở NN&PTNT triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới... trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.