Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch đang gây nhiều thiệt hại cho người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng |
Cụ thể, năm 2019 mưa lớn, giông lốc, sét và gió giật mạnh đã làm cho 01 người chết; 06 người bị thương; 469 căn nhà bị thiệt hại, trong đó bị sập hoàn toàn 103 căn, tốc mái 366 căn. Cùng với đó trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở bờ sông, bờ kênh ở các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Mỹ Tú và TX. Vĩnh Châu với tổng chiều dài hơn 26,5km và hơn 130m đê biển ở TX. Vĩnh Châu bị xói lở.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 13.828 ha lúa bị thiệt hại, trong đó thiệt hại hoàn toàn 86ha, thiệt hại từ 30 đến 70% là 7.696 ha và thiệt hại dưới 30% là 6.046 ha; thiên tai cũng gây thiệt hại cho 2.207 ha hoa màu, hơn 1.000 ha cây ăn trái, cuốn trôi 395 ha rừng phòng hộ ở TX. Vĩnh Châu, ước tổng thiệt hại hơn 26,5 tỉ đồng.
Còn từ đầu năm 2020 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông… đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó nghiêm trọng nhất là tình trạng mặn xâm nhập sớm, sâu, kéo dài và độ mặn cao hơn so với trung bình nhiều năm. Từ giữa tháng 11/2019 mặn đã xâm nhập vào địa bàn tỉnh theo cửa sông Hậu và sông Mỹ Thanh, ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu vào nội đồng từ 40 đến 55 km tính từ cửa sông.
Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trong những tháng mùa khô năm 2020 đã làm cho hơn 4.000 ha lúa của người dân bị mất trắng, trong đó có 3.090 ha lúa ở huyện Long Phú xuống giống không theo khuyến cáo; 27 ha rau màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng giảm năng suất; trên 26.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và hơn 50 căn nhà của người dân trên địa bàn các huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, TX. Vĩnh Châu bị thiệt hại do giông lốc, sạt lở, ước tổng thiệt hại khoảng gần 21 tỉ đồng.
Mặt dù hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ra nhiều thiệt hại, nhưng ông Phạm Tấn Đạo cho rằng, so với thời điểm mùa khô năm 2015-2016 thì thiệt hại do hạn, mặn gây ra vào mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được kéo giảm đáng kể. Cụ thể, tổng diện tích lúa bị mất trắng trong mùa khô năm 2019-2020 là 4.099 ha, còn mùa khô năm 2015-2016 là hơn 27.200 ha; diện tích rau màu, cây ăn trái bị ảnh hưởng giảm năng suất là 27 ha, trong khi đó mùa khô năm 2015-2016 là 782 ha...
Theo ông Phạm Tấn Đạo, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, trong thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tiếp tục chủ động hơn nữa công tác phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thiên tai hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống đê, kè, cống, những điểm có nguy cơ sạt lở, có kế hoạch duy tu, nâng cấp, sửa chữa kịp thời để phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai; chủ động thông tin dự báo, cảnh báo để các cấp chính quyền, người dân biết để ứng phó.