Sóc Trăng: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BVMT

20/04/2017 00:00

(TN&MT)- Nhân dịp tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (tháng 4/1992- tháng 4/2017), phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng về những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường, cũng như những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.

Công tác ký kết liên tịch trong công tác bảo vệ môi trường luôn được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể..
Công tác ký kết liên tịch trong công tác bảo vệ môi trường luôn được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể..

Sau 25 năm tái lập tỉnh, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể,  công tác tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được sắp xếp, kiện toàn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý môi trường, trong đó tập trung vào các quy định về cơ chế phối hợp quản lý về bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp; quản lý tài chính; quản lý chất thải; quản lý phí bảo vệ môi trường, thuế bảo vệ môi trường,…từ đó đã kịp thời đáp ứng được yêu cầu quản lý và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, góp phần hiệu quả trong việc đảm bảo được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn kết với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy rác thải thành phân hữu cơ đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy rác thải thành phân hữu cơ đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã lập Quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2010 định hướng đến năm 2020; Quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Kế hoạch về hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 định hướng đến năm 2020; Kế hoạch về thực hiện Đề án tổng hợp bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011 - 2015.

Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Thanh: Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường đẩy mạnh thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, hội thi, tập huấn, mít tinh, sổ tay, bướm tin, tờ rơi; lắp đặt panô, áp phích, băngrôn; tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhân các sự kiện, chiến dịch về môi trường.

Thực hiện các Nghị quyết liên tịch giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã ký kết liên tịch với Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Ban chấp hành Đoàn tỉnh Sóc Trăng, Liên minh hợp tác xã, Hội người cao tuổi, Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng và tuyên truyền phổ biến các mô hình bảo vệ môi trường như mô hình “phụ nữ nói không với túi nilong”, “mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường”, “mô hình hố đốt rác cho hộ gia đình”, “mô hình lò đốt rác trong trường học”,…; tổ chức hoạt động đổi chất thải lấy sản phẩm mới; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về môi trường đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Do làm tốt công tác tuyên truyền nên đã thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên, người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.
Do làm tốt công tác tuyên truyền nên đã thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên, người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thì Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tăng cường công tác thẩm định, cấp phép môi trường, quản lý chất thải nguy hại, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về Bảo vệ môi trường; quan trắc môi trường và ứng dụng công nghệ thông tin về cơ sở dữ liệu môi trường, các phần mềm quản lý môi trường.

Ông có thể cho biết một số giải pháp phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường mà tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện trong thời gian qua?

Ông Trần Văn Thanh: Đối với việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và phí bảo vệ môi trường, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung đầu tư 35 bãi rác cấp xã, thị trấn nhằm khắc phục và cải thiện môi trường nông thôn. Ở khu vực đô thị, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng công trình nhà máy xử lý chất thải rắn tại TP. Sóc Trăng và các vùng lân cận thuộc tỉnh, với tổng vốn đầu tư trên 200 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai 03 mô hình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt quy mô nhỏ cho 03 huyện Châu Thành, TX. Ngã Năm và huyện Long Phú.

Về xử lý nước thải sinh hoạt, năm 2003 tỉnh đã phê duyệt Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP. Sóc Trăng (giai đoạn 2003 - 2011), với tổng giá trị đầu tư khoảng 130 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là tập trung giải quyết chống ngập úng, xây dựng hệ thống thoát nước thải, cải thiện điều kiện môi trường cho các khu vực dân cư hiện hữu, nhất là khu vực trung tâm thành phố; xây dựng hệ thống cống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải TP. Sóc Trăng, giai đoạn 1. Đến tháng 6/2013, Nhà máy xử lý nước thải, giai đoạn 1 đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, công suất trên 13.000m3/ngày đêm đã góp phần hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước chung của thành phố, nâng cao điều kiện vệ sinh môi trường và chất lượng sống cho nhân dân, góp phần tạo nên một thành phố xanh - sạch - đẹp, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững.

Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Nhà máy xử lý nước thải TP. Sóc Trăng với công xuất xử lý 24.000m3/ngày đêm, đồng thời cũng mở rộng mạng lưới thoát nước trong thành phố để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải cho TP. Sóc Trăng...

Để công tác bảo vệ môi trường tiếp tục đạt được kết quả, theo ông đâu là giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới?

Ông Trần Văn Thanh: Trong thời gian qua cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thì cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để hoàn thành được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các Sở, Ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn xã hội, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó tập trung vào nội dung quản lý chất thải sinh hoạt; quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; quản lý các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; quản lý các nhà máy chế biến thủy hải sản, thực phẩm và nhà máy nhiệt điện.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải, quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại, chất thải y tế, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải điện tử. Quy hoạch về bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không đảm bảo về môi trường. Thực hiện nghiêm quy định chỉ cho phép dự án đầu tư đi vào vận hành chính thức sau khi đã được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Ngoài ra, hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác quan trắc, cảnh báo về môi trường nhằm phục vụ cho công tác kiểm soát ô nhiễm, quản lý và bảo vệ môi trường, dự báo ô nhiễm môi trường cũng như đề xuất các biện pháp, chính sách, chiến lược phòng ngừa, cải thiện và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường trên địa bàn tỉnh...

Lê Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BVMT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO