Trong thời gian vừa qua, tình hình khai thác lớp đất mặt ruộng trồng lúa làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng đất để làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là để san lắp mặt bằng ngày càng tăng, thêm vào đó là việc nghiêm cấm khai thác lớp đất mặt của đất trồng lúa, nên trong thời gian gần đây tình trạng khai thác đất bờ kênh, bờ đê trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương, trong đó điển hình là tại TP.Sóc Trăng.
Tháng 2/2018, ông Võ thanh Nhàn, Chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng đã ký Văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các phường 3, 5, 8, 9, 10 (TP.Sóc Trăng) vận động người dân không canh tác (trồng rau, màu) trên bờ kênh tại các tuyến kênh đi qua địa bàn. Đến ngày 6/3/2018, ông Võ Thanh Nhàn tiếp tục ký văn bản giao Chủ tịch UBND các phường nêu trên phối hợp với đơn vị tư vấn và đơn vị thi công tổ chức họp dân, thông báo phương án nạo vét kênh và lấy đất bờ kênh, gồm: Kênh phía sau trụ sở Đảng ủy phường 3 và phường 10; kênh Lưu Sên và kênh 77 thuộc phường 5 và phường 8; kênh 3/2 phường 9,.... Tuy nhiên, phương án nạo vét kênh và lấy đất các bờ kênh cụ thể như thế nào, chiều rộng, độ sâu bao nhiêu thì UBND TP.Sóc Trăng không quy định rõ.
Ghi nhận thực tế tại tuyến kênh Lưu Sên và kênh 77 cho thấy, nơi đây không khác gì một công trường khai thác đất theo kiểu tận thu. Xe cuốc móc đất, xe tải vận chuyển rầm rập, bờ kênh có chiều rộng từ 4 đến 6 mét bị khoét sâu, lấy đất bên trong, trông không khác gì tuyến kênh mới được đào chạy song song với tuyến kênh cũ...
Theo ông Sơn Minh Hoàng, ở khóm 5, phường 5, TP.Sóc Trăng, trước đây bờ kênh cao hơn mặt ruộng khoảng 1,5 mét, nhưng họ không chỉ lấy đất đến mặt ruộng mà còn đào sâu xuống khoảng 3 mét nữa. "Đơn vị thi công khai thác đất bờ kênh sâu như thế này dù sau đó họ có đưa lượng bùn nạo vét từ tuyến kênh cũ đắp vào cũng không đủ để phục hồi lại hiện trạng bờ kênh. Không còn bờ kênh chắc chắn, các phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, việc bảo đảm nước tưới, tiêu cũng sẽ bị ảnh hưởng" - ông Hoàng cho biết.
Bức xúc trước việc UBND TP.Sóc Trăng cho phép đơn vị thi công khai thác tận thu đất bờ kênh, đồng thời các phương tiện cơ giới vào khai thác đất đã làm vỡ hết các đường ống tưới tiêu cho đồng ruộng đặt xuyên qua bờ kênh, nhiều con đập được chắn ngang dòng chảy tuyến kênh phục vụ xe tải chuyển đất gây ảnh hưởng đến canh tác; nhiều người dân ở phường 5 đã gửi đơn yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ. Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Chủ tịch UBND phường 5 (TP.Sóc Trăng) thừa nhận: "Qua xác minh những nội dung người dân phản ánh là đúng. UBND phường 5 đã mời đơn vị thi công (Công ty TNHH tư vấn, đầu tư, xây dựng S.H) đến làm việc và họ cam kết khắc phục, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân".
Chánh Văn phòng UBND TP.Sóc Trăng Nguyễn Hữu Ngân cho rằng, việc cho phép khai thác đất tại các tuyến kênh ở một số phường trên địa bàn thành phố là “chủ trương” của UBND TP, phần lớn đất khai thác được sử dụng để san lấp, phục vụ các công trình công cộng, trong đó nhiều nhất là dự án Lâm Viên, với diện tích hơn 20ha đang được UBND TP kêu gọi đầu tư trung tâm vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Ngân, việc UBND TP.Sóc Trăng chọn DN S.H làm đơn vị khai thác, vận chuyển đất bờ kênh sẽ không lo vấn đề gian lận khối lượng khai thác vì đây là DN đầu tư, chuyên về các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cầu đường. Còn các DN kinh doanh vật liệu xây dựng khác, họ buôn bán là chính nên khó kiểm soát khối lượng đất khai thác được...
Theo Sở TN&MT Sóc Trăng, căn cứ vào Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 10/4/2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, các tổ chức, cá nhân khi lập các dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án nạo vét, cải tạo kênh mương thủy lợi, đào ao nuôi trồng thủy sản, đào ao trữ nước ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án khác do cơ quan Nhà nước phê duyệt hoặc chủ đầu tư tự phê duyệt, nếu có nhu cầu sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường bên ngoài dự án thì trong dự án cần thể hiện rõ nhu cầu khối lượng đất dôi dư đem ra ngoài phạm vi của dự án để sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường.
Đồng thời, các chủ đầu tư liên hệ Sở TN&MT Sóc Trăng để lập thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở TN&MT Sóc Trăng chưa nhận được hồ sơ của tổ chức, cá nhân nào trên địa bàn TP.Sóc Trăng xin phép được khai thác đất bờ các tuyến kênh Lưu Sên, kênh 77, kênh 3/2...