Sóc Trăng: Cần nhiều giải pháp đồng bộ trong việc thu gom, xử lý bao thuốc BVTV ​​​​​​​

28/02/2018 19:31

(TN&MT) - Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn giữ vai trò không thể thiếu trong nền nông nghiệp và là một trong những nhân tố đảm bảo tăng năng suất cây...

 

(TN&MT) - Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn giữ vai trò không thể thiếu trong nền nông nghiệp và là một trong những nhân tố đảm bảo tăng năng suất cây trồng. Vì thế, thuốc BVTV đang được người dân ở tỉnh Sóc Trăng sử dụng ngày càng tăng cả về số lượng, chủng loại. Điều này đã dẫn hệ lụy là một lượng lớn bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh sau sử dụng vẫn chưa được thu gom, xử lý triệt để, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường đất, nước, không khí,...
 

chú thích ảnh 1 mô hình bể thu gom bao bì thuốc BVTV ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú
Mô hình bể thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

 

Mỗi năm phát sinh khoảng 366 tấn bao gói thuốc BVTV
 

Thống kê ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 445.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 357.331ha, diện tích trồng hoa màu 58.553 ha,..Với diện tích này mỗi năm nông dân tỉnh Sóc Trăng sử dụng thường xuyên trên 2.400 tấn thuốc BVTV. Theo nghiên cứu của Viện Nông nghiệp- Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉ lệ phát sinh khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng khoảng 14,86% khối lượng thuốc BVTV sử dụng, thì mỗi năm tại các cánh đồng canh tác ở tỉnh Sóc Trăng sẽ phát sinh khoảng 366 tấn bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng, chưa kể đến đến khối lượng bao gói thuốc BVTV còn tích lũy từ các năm trước.
 

Với khối lượng bao gói thuốc BVTV phát sinh ngày một lớn như hiện nay thì việc thu gom, lưu chứa, xử lý đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng .
 

Trong thời gian qua, để giải quyết rác thải trong sản xuất nông nghiệp các cơ quan chức năng đã đưa quản lý chất thải từ hóa chất BVTV vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét công nhận xã nông thôn mới. Vì thế, việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc đã được các địa phương quan tâm hơn. Đồng thời, các tổ chức chính trị, hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ Nữ, Tỉnh Đoàn,... cũng đã tuyên truyền, phát động hội viên tham gia vào các chương trình thu gom bao gói thuốc BVTV, xây dựng các câu lạc bộ, mô hình,... để thu gom. Đối với các huyện, thị xã, thành phố từ nguồn ngân sách, tài trợ đã xây dựng, lắp đặt khoảng 150 bể chứa rác thải từ thuốc BVTV ngoài đồng  ruộng.

Bên cạnh đó, tại các địa phương sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH TM Tân Thành và Tập đoàn Lộc Trời cũng tiến hành thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Người dân trong quá trình phun xịt được vận động tuyên truyền thu gom bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào các bể gần nhất, định kỳ 6 tháng (khi bể đầy), Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện/thị xã huy động người dân địa phương đến thu gom rác trong bể vận chuyển về điểm tập kết do các công ty trên quy định, các bao bì thu gom sau đó được các đơn vị này vận chuyển về đơn vị xử lý đảm bảo các quy định hiện hành.

 

Mới đây, thực hiện chủ trương thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, Chi cục Bảo vệ Môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện mô hình điểm về thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại ấp Trường An, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết, mô hình bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại xã Trường Khánh bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của của cán bộ, hội viên và nông dân trong bảo vệ môi trường, hình thành thói quen tốt trong thu gom bao gói thuốc BVTV, tạo mỹ quan trên đồng ruộng.

Hiện nay, "Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường từ thuốc BVTV nói riêng ở nông thôn đã và đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Do đó, mô hình này cần được phát huy và nhân rộng hơn nữa để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường sống"- Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, Nguyễn Thụy Kiều Diễm nhấn mạnh.

 

chú thích ảnh 2 quang cảnh 1 lớp tập huấn về việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được tổ chức tại huyện Long Phú
Nhằm năng cao kiến thức cho người dân, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về việc thu gom, vận chuyển, xử lý thuốc BVTV sau sử dụng.

 

Mới chỉ thu gom được khoảng 4%
 

Mặc dù tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều cố gắng trong việc thu gom, lưu chứa, vận chuyển xử lý khối lượng bao gói thuốc BVTV phát sinh trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên theo ước tính của cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng thì hiện nay mới chỉ có khoảng 4% trong tổng số 366 tấn/năm bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom vào các bể chứa tại các cánh đồng hoặc bán ve chai, đốt bỏ không đảm bảo vệ sinh môi trường, khối lượng bao gói thuốc BVTV còn lại phần lớn được vứt bừa bãi tại bờ ruộng, dọc các tuyến kênh mương nội đồng.
 

Dẫn đến thực trạng này, theo ngành chức năng thì nguồn kinh phí hỗ trợ thu gom còn hạn hẹp, chưa vận động được từ ngân sách và cấp xã/phường, Việc thu gom của các Công ty cung cấp thuốc BVTV chỉ thu gom một số chai lọ, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của riêng công ty mình. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, phần lớn các hoạt động thu gom đều có hỗ trợ của các dự án và của nhà nước nên khi dự án kết thúc hoặc không còn hỗ trợ thì hoạt động này cũng bị mất dần. Một số địa phương đã tổ chức mô hình xã hội hóa công tác thu gom những do chưa xác định rõ mức thu phí, cơ chế vận hành nên còn lúng túng và khó duy trì bền vững. Thiếu công nghệ làm sạch và tiêu hủy bao bì sau thu gom, đa số lượng bao bì sau thu gom đều được chôn lấp hoặc đốt chung với rác thải sinh hoạt.
 

Việc xây bể chủ yếu do địa phương tự vận động và một vài công ty góp tiền làm, chính vì vậy mà các bể chứa xây dựng không theo quy chuẩn nào dẫn đến tình trạng có nhiều địa phương xây bể không đảm bảo yêu cầu thu gom xử lý đối với chất thải độc hại. Đồng thời, do lượng rác thải lớn, trong khi số lượng bể ít, nên mới giải quyết được một phần nhỏ lượng bao bì thuốc thải ra môi trường. Theo quy định thì cứ 3ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV cần có 1 bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Như vậy, với số lượng bể chứa hiện có trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (khoảng 150 bể) thì không thể đáp ứng được việc thu gom hết số bao bì thải ra môi trường hàng năm.
 

Huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương sản xuất nông nghiệp chính của tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 21.104ha,  trong đó đất trồng lúa khoảng 18.500 đến 19.000 ha. Với diện tích này phải cần tới 6.100 đến 6.300 bể chứa bao gói thuốc BVTV, nhưng hiện tại chỉ có 10 bể, trong đó World Bank tài trợ 6 bể và Tập đoàn Lộc Trời 4 bể...
 

Vừa qua, Liên Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2016 quy định người sử dụng thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau pha chế, phun rải để vào bể chứa, không để chung bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng xong thì không được sử dụng vào các mục đích khác, không tự ý xử lý, đem chôn hoặc đốt bao gói thuốc BVTV”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số địa phương tỉnh Sóc Trăng bao gói thuốc BVTV vẫn xả trực tiếp ra môi trường. Đối với những nơi có bể, một số người dân sau khi pha thuốc vứt vỏ ngay cạnh bể hoặc vứt lẫn cả rác thải sinh hoạt vào bể.
 

Từ thực tế trên, bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ Môi trường- Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ mô hình thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, nhưng để thực hiện thành công và nhân rộng mô hình này, rất mong UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan phối hợp thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; có kế hoạch chung xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV gắn với xây dựng nông thôn mới; bố trí kinh phí để đầu tư phương tiện thu gom, vận chuyển và các kho để lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Đối với các ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV; tăng cường công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức người nông dân; thực hiện chế tài ràng buộc các doanh nghiệp cung cấp thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định tại Quyết định số 16 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Cần nhiều giải pháp đồng bộ trong việc thu gom, xử lý bao thuốc BVTV ​​​​​​​
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO