Đơn vị tổ chức hỗ trợ hai xã Cát Minh, Cát Khánh, huyện Phù Cát xây dựng mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện địa phương. Hỗ trợ các trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ triển khai mô hình: chế phẩm vi sinh, bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xe rác đẩy tay và thùng thu gom rác để xử lý phù hợp với từng loại rác thải. Hỗ trợ kinh phí cho lao động thu gom bằng xe đẩy tay, kinh phí giám sát, hướng dẫn cho cán bộ địa phương. Hướng dẫn kỹ thuât thực hiện mô hình và theo dõi, giám sát thực hiện.
Các hộ dân sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ phân bò |
Tại xã Cát Minh có 29/30 hộ dân tham gia mô hình chủ yếu tập trung tại xóm An Bình, thôn Trung An và 30 hộ dân ở thôn Thắng Kiên, xã Cát Khánh. Các hộ dân trải qua lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh AT-BIO ngay tại hộ gia đình; hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và rác thải chợ bằng chế phẩm vi sinh AT-BIO; hướng dẫn thu gom, phân loại rác sinh hoạt vô cơ hộ gia đình bằng thùng rác di động tại các khu vực chưa có xe thu gom rác, trên cơ sở thành lập tổ thu gom rác, bố trí các điểm tập kết rác phù hợp để đơn vị thu gom đến thu gom; mở rộng tuyến thu gom đến các khu vực này; hướng dẫn thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh tại khu vực đồng ruộng và bố trí khu vực lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Phân được ủ bằng chế phẩm vi sinh không có mùi hôi, ruồi muỗi |
Sau khi tiếp nhận những kiến thức đã được tập huấn, các hộ dân triển khai thực hiện theo mô hình xử lý rác nông thôn tại gia đình mình. Bà Nguyễn Thị Thu ở thôn Trung An, xã Cát Minh chia sẻ: Tôi làm phân bò. lá cây ủ lại đậy kín dùng chế phẩm AT-BIO xử lý. Hiệu quả là dùng chế phẩm không có ruồi muỗi, mùi hôi trong chuồng bò như mình nuôi trước đây. Phân sau khi ủ với chế phẩm rất rền, đạt tiêu chuẩn khi sử dụng bón cho đồng ruộng và các loại cây trồng. Tôi cũng vận động bà con các hộ gia đình khác, nên dùng chế phẩm để ủ phân vừa không có ruồi, muỗi, mùi hôi, vừa đảm bảo chất lượng của phân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, chuồng trại.
|
Ông Nguyễn Văn Thái – thôn Trung An, xã Cát Minh cho biết thêm: Loại phân này dùng bón cho lúa là tốt nhất. Gia đình tôi thực hiện mô hình đạt chất lượng theo yêu cầu. Chuồng trại sạch sẽ, gọn gàng, không ruồi muỗi, mùi hôi, phân đạt chất lượng. Chúng tôi mong muốn mô hình này được nhân rộng thêm cho nhiều hộ trong xã để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tại nông thôn.
Bà Mai Thị Kin Thi – Cán bộ địa chính xã Cát Minh vui vẻ chia sẻ: Chi cục Bảo vệ môi trường đã triển khai mô hình xử rác nông thôn tại địa phương. 29/30 hộ gia đình sử dụng chế phẩm đạt hiệu quả. 80 % hộ gia đình đăng ký mô hình xử lý rác thải nông thôn. Về mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm vi sinh, so với nội dung tập huấn của Sở TN&MT đưa ra, thì chất lượng phân ủ tại các hộ đều đạt khi đưa vào sử dụng làm phân bón cây trồng.
Phân được đậy kín sau khi dùng chế phẩm vi sinh |
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Bình Định, mô hình xử lý rác nông thôn đã giúp cho người dân ý thức trong công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn. Sở hỗ trợ thêm 20 thùng rác di động, nâng cao khối lượng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương. Bà con ý thức trong công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa đặt trên các đồng ruộng, nâng cao nhận thức của người dân về cách thức xử lý bao bì phát sinh sau sử dụng trên đồng ruộng, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Phát biểu tại Hội thảo tổng kết mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại xã Cát Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Huỳnh Quang Vinh chia sẻ: Từ những kết quả đạt được của mô hình, Sở TN&MT tỉnh Bình Định mong muốn có sự phối hợp đồng bộ từ huyện đến xã và các đoàn thể. Sở đề nghị tùy tình hình, điều kiện từng xã mà UBND huyện, UBND xã tiếp tục quan tâm và hỗ trợ các hộ tham gia mô hình duy trì các kỹ thuật xử lý, phương án thu gom để làm mô hình điểm cho nhiều địa phương tham quan, học tập, tạo điều kiện tiếp cận, hỗ trợ các địa phương muốn nhân rộng mô hình này.
Người dân dùng phân xử lý qua chế phẩm vi sinh để tăng năng suất cây lúa |
Đây là mô hình được xây dựng với mục tiêu quản lý rác phù hợp với địa bàn nông thôn chưa triển khai thu gom rác, trong đó chú trọng khâu phân rác tại nguồn, quản lý phù hợp từng loại chất thải. Nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và người dân trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định