Sinh viên thất nghiệp bởi “ôm mộng” làm thầy

26/06/2014 00:00

(TN&MT) - Đến một số bản, xã của huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chúng tôi “giật mình” bởi số sinh viên ra trường không có việc làm.

   
(TN&MT) - Đến một số bản, xã của huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chúng tôi “giật mình” bởi  số sinh viên ra trường không có việc làm. Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ 2 – 5 năm đi làm thuê, mướn đủ nghề để kiếm kế sinh nhai và trả khoản nợ Ngân hàng cho vay đi học. Những sinh viên thất nghiệp này đều có điểm chung đa số là học làm “thầy”- đang trở thành nỗi lo không của riêng ai, gây ra tác động không nhỏ đến ngồn nhân lực cung – cầu, bản thân sinh viên, gia đình và xã hội.  
   
Tổ vay vốn bản Món thu lãi tại hộ gia đình anh Lò Văn Quân
   
Sinh viên thất nghiệp – SOS!
   
  Ở Tuần Giáo, nhiều gia đình sinh viên khó khăn đến kỳ trả lãi đã viết đơn xin “khất nợ”, việc tạm hoãn trả nợ không tính bằng thời gian cụ thể, mà khi nào con xin được việc làm sẽ trả.
   
  Tại xã Quài Tở nơi có số dư nợ nhiều nhất trong huyện, với trên 10 tỷ đồng cho 652 hộ gia đình sinh viên vay. Đa số sinh viên ra trường đều không xin được việc làm đã từ 2 –  5 năm: Bản Hới Trong có 35 sinh viên, 21 em ra trường, 17 em chưa xin được việc. Bản Xôm có cho 35 sinh viên, 20 em ra trường, 15 em chưa xin được việc. Bản Ta có 41 sinh viên, 25 em ra trường, 20 em chưa có việc làm…
   
  Tính sơ bộ xã Quài Tở có gần 1.000 sinh viên đang theo học và đã ra trường của các trường: Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong, ngoài tỉnh. Số sinh viên học ra trường, trên 90% không xin được việc làm (trong đó chiếm trên 95% sinh viên học ngành sư phạm) - ông Lường Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã băn khoăn, chia sẻ: Sinh viên ra trường không xin được việc làm trở thành vấn đề “nóng” trong xã. Nhiều bản có đến vài chục sinh viên đều tốt nghiệp ngành sư phạm ở nhà làm nông dân. Thế nhưng hàng năm, học sinh tốt nghiệp THPT vẫn đăng ký đi học ngành này, trong khi còn rất nhiều người, kể cả anh chị những học sinh này đang phải ngồi nhà chờ việc.
   
  Qua việc tìm hiểu, được biết, đa số các em đi học theo phong trào, đi cho vui chứ không nghĩ đến đầu ra xin việc ở đâu. Tâm lý các em và gia đình cho rằng học ra làm “thầy” lương đảm bảo và công việc không vất vả…
   
Làm thuê trả lãi ngân hàng
  Với niềm hy vọng học xong có được việc làm ổn định mang lại thu nhập, giúp đỡ bố mẹ già và dành dụm, chắt chiu trả khoản vay 3 năm đi học của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện gần 20 triệu đồng, 2 năm qua, Lò Văn Lanh, bản Món, xã Quài Tở đã đi khắp các Phòng Giáo dục – Đào tạo nộp hồ sơ nhưng đều không có kết quả. 3 năm theo học ngành Cao đẳng sư phạm tiểu học, tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đối với Lanh là cả thử thách vì gia đình nghèo, bố mẹ già. Ngôi nhà với 10 nhân khẩu, Lanh sống cùng gia đình anh ruột chỉ có 1.800m² ruộng, chăn nuôi thêm vài con lợn, gà… nên kiếm đủ ăn cho từng ấy con người đã khó, nay xoay sở trả lãi món nợ ngân hàng càng thêm gian nan. Trong câu chuyện với Lanh, chúng tôi được biết hiện gia đình Lanh còn nợ Ngân hàng ngoài khoản vay ưu đãi cho sinh viên 50 triệu đồng. Khoản tiền vay khi Lanh học ra trường không đang chờ việc làm, ở nhà phát triển chăn nuôi lợn nhưng chăn nuôi thua lỗ do dịch bệnh và giá lợn không ổn định, nên giờ việc trả lãi 68 triệu đồng của gia đình Lanh đang trông cậy vào công việc thợ xây, phụ hồ của 2 anh em Lanh vào mùa khô.
   
  Ông Lò Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho biết, trước đây nhà ông Quàng Văn Lẻ thuộc hộ khá giả trong bản nhưng giờ nhà trống trơn, chẳng còn gì đáng giá. Đợt bình xét hộ nghèo vừa qua, gia đình ông Lẻ đã tụt xuống thành hộ nghèo vì lo cho 4 đứa con học xong ra trường (trong đó: 1 học ngành y và 3 học Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh). Ngoài số trâu, bò, lợn… bán nuôi các con ăn học, gia đình ông Lẻ nợ khoản vay Ngân hàng Chính sách Xã hội hội 78 triệu đồng. Trong số 4 đứa con học ra trường hiện 1 học y đã xin được việc làm tại Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay, còn 3 học sư phạm nay đã 3 năm thất nghiệp. Gia đình ông Lẻ hiện có 5 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 1.500 m² ruộng và công việc làm thuê phụ hồ của 2 bố con nên việc trả lãi Ngân hàng đã khiến gia đình ông lao đao. Số tiền vay các con đi học phải trả lãi 9 triệu đồng nhưng ông cùng cậu con trai chắt chiu, dành dụm làm thuê 1 năm, mới trả được 4 triệu đồng.
   
Nỗi lo không của riêng ai
   
  Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tuần Giáo, hiện có 2.854 hộ gia đình vay ưu đãi sinh viên, với số tiền gần 50 tỷ đồng và số sinh viên đã tốt nghiệp và đang theo học ngành sư phạm chiếm đa số.
   
Cậu sinh viên Lò Văn Lanh học Cao đẳng tiểu học, bản Món, xã Quài Tở đã 2 năm qua làm đủ việc để trả món nợ Ngân hàng
   
  Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tuần Giáo cho biết, năm học tới đây, chỉ tuyển thêm 47 giáo viên, công nhân viên (trong đó chủ yếu là nhân viên trường học). Không riêng huyện Tuần Giáo mà còn rất nhiều nơi, như: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa… đều đã đảm bảo đủ giáo viên các bậc học. Do đặc thù vùng núi nên giáo viên tuổi đời còn rất trẻ nên ổn định về biên chế từ 10 – 20 năm.
   
  Ông Lường Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Quài Tở cho hay: Trong xã nhìn đâu cũng thấy sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, nhà có 2 – 3 con đi học, năm trước năm sau bình xét nhiều hộ trở thành hộ nghèo vì bán trâu, bò…lo cho con. Không những vậy, sinh viên ra trường không xin được việc với tâm lý e ngại, không muốn làm công việc ruộng, nương lên thường nghe bạn bè rủ đi làm thuê ở xa. Với tâm lý chán nản, không được quản lý, giáo dục của gia đình nên sinh viên này rất dễ bị lôi kéo vào phạm pháp, tệ nạn xã hội.
   
  Còn ông, Tòng Hữu Yên, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tuần Giáo chia sẻ: Hiện nay sinh viên học ra trường chưa phải trả tiền gốc cho Ngân hàng nhưng trong huyện số dư nợ quá hạn đã trên 100 triệu đồng.
   
  Nhiều cán bộ Ngân hàng xuống đi thu nợ cùng Tổ vay vốn ở bản về cho biết: Phải làm công tác tư tưởng và giải thích cho người dân và việc thu lãi hết sức khó khăn, bởi các hộ viện lý do con chưa xin được việc nên chưa có tiền trả. Nhiều người dân còn có suy nghĩ Nhà nước cho vay vốn ưu đãi, thì con họ học xong chắc chắn là có việc làm, không có việc làm thì đồng nghĩa việc chưa phải trả tiền. Sau mấy năm tới đây, Ngân hàng thực hiện thu tiền gốc, chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn – ông Yên nói dự đoán, cùng với vấn đề mà chúng tôi đang định đề cập.
   
  Chỉ mới qua một số bản, xã của huyện Tuần Giáo mà chúng tôi đã thấy “nhức nhối” vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm và nhất là sinh viên sư phạm. Công tác tư vấn, đào tạo và cân đối nguồn nhân lực đặt ra cho mọi người, ban, ngành, đoàn thể… cần có trách nhiệm không để lãng phí nguồn nhân lực đào tạo, tiền của gia đình, Nhà nước và tác động tiêu cực khi sinh viên phải đi làm thuê mướn.
   
Bài và ảnh: Kiên Cường
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên thất nghiệp bởi “ôm mộng” làm thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO