Sẽ có thêm công viên địa chất toàn cầu

24/08/2017 00:00

(TN&MT) - Vùng trầm tích núi lửa dưới biển và trên bờ có niên đại hàng triệu năm về trước thuộc tỉnh Quảng Ngãi sẽ trở thành Công viên Địa chất toàn cầu với trung tâm công viên địa chất là đảo Lý Sơn.

Tiềm năng sẵn có

Tháng 4/2016, Đoàn chuyên gia địa chất của UNESCO đã khảo sát trầm tích núi lửa ở khu vực biển Bình Châu - Lý Sơn và vùng phụ cận. Sau khi khảo cứu địa chất cả trên bờ lẫn dưới nước, các chuyên gia khẳng định, khu vực này là một “công viên” núi lửa hiếm có trên thế giới. Đó là kết quả của những đợt phun trào núi lửa có niên đại hàng triệu năm trước.

GS. TS Ibrahim Koomo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu cho rằng, khu vực biển này hoàn toàn có thể trở thành công viên địa chất toàn cầu, hơn nữa nơi đây có thể xem là “viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa” hiếm hoi trên thế giới.

Chuyên gia khảo cổ học dưới nước Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, hiếm thấy nơi nào có kết cấu địa chất núi lửa trải rộng và đẹp như ở vùng biển Bình Châu - Lý Sơn. Càng khám phá càng thấy nhiều dấu tích đẹp, nhất là những trầm tích núi lửa dưới đáy biển nhấp nhô và gắn kết với lớp trầm tích trên bờ.

Quảng Ngãi sẽ trở thành Công viên Địa chất toàn cầu với trung tâm công viên địa chất là đảo Lý Sơn. Ảnh: MH
Quảng Ngãi sẽ trở thành Công viên Địa chất toàn cầu với trung tâm công viên địa chất là đảo Lý Sơn. Ảnh: MH

Ngay trên bờ, nhiều miệng núi lửa cổ đại cũng được phát hiện. Tại đảo Lý Sơn phát hiện ít nhất 3 miệng núi lửa cổ đại ở khu vực núi Thới Lới, Giếng Tiền và Bãi Sau. Kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng cho thấy, các núi lửa phun trào đã tạo nên đảo Lý Sơn với địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích toàn đảo.

Những vách núi dựng đứng quanh đảo tuyệt đẹp đều hình thành nhờ vào quá trình phun trào nham thạch. Trước đó, tháng 2/2015, tại khu vực mũi Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cũng đã phát hiện một miệng núi lửa rộng 30 m có niên đại hàng triệu năm. Quanh khu vực miệng núi lửa là những cột đá Balad và các bãi đá Bazan độc đáo.

TS. Phạm Quốc Quân (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy viên Hội đồng Khoa học về bảo tồn, nguyên giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam) cho biết: “Đây là vùng biển có thể nói là đẹp nhất Việt Nam với sự kết hợp hài hòa giữa núi lửa, biển và các di tích như nghĩa địa tàu cổ, các phong tục tập quán của người Việt và người Chămpa còn lưu giữ ở cư dân vùng biển này. Nơi đây xứng đáng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu”.

Gấp rút hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO

Vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thông qua phương án dành gần 50 tỷ đồng để thực hiện Đề án xây dựng khu vực Lý Sơn - Bình Châu thành Công viên Địa chất toàn cầu, giai đoạn 2017 - 2024. Cùng với đó, tỉnh sẽ hợp tác với Viện Khoa học địa chất Việt Nam hoàn thiện hồ sơ liên quan, sớm trình UNESCO công nhận.

Theo Đề án, đảo Lý Sơn - hạt nhân của Công viên Địa chất toàn cầu sẽ được mở rộng ra phạm vi 40km kéo dài đến xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và các vùng phụ cận. Đề án chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Từ nay đến năm 2018 tập trung xây dựng hồ sơ bảo tồn và phát triển Công viên Địa chất Lý Sơn. Từ năm 2019 - 2023 tập trung phát triển bền vững công viên.

Hướng phát triển bền vững được đưa ra là xây dựng công viên gắn kết di sản với cộng đồng. Chính người dân sẽ hưởng lợi từ di sản và bảo vệ di sản cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Tỉnh Quảng Ngãi chủ trương xây dựng theo hướng bền vững lâu dài và giữ gìn được nguyên trạng địa chất.

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Đề án phải đảm bảo yếu tố kết hợp vai trò quản lý của Nhà nước, sự hợp tác của doanh nghiệp, nhà khoa học; phải đặt lợi ích của cộng đồng dân cư bản địa lên hàng đầu. Tỉnh Quảng Ngãi đã mời nhiều nhà khoa học về khảo sát, nghiên cứu, đánh giá về địa chất, địa mạo tại Lý Sơn và Bình Châu.

Phạm Thu Hà

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có thêm công viên địa chất toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO