Sẽ có nhiều hỗ trợ tài chính cho người trồng rừng
(TN&MT) - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc giai đoạn từ nay tới năm 2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ phát triển rừng và các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi như: Chính sách trồng mới 5 triệu ha rừng, 135, Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (Chương trình 30a). Ngoài ra, còn có nhiều chính sách đặc thù khác như giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng buôn làng các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Các chính sách này đã góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc , vùng miền núi tăng thu nhập, thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp. Từ đó góp
phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết hộ gia đình đang sinh sống ở vùng dân tộc và miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, vẫn sống dựa vào rừng. Trong khi đó tại một số địa phương, rừng vẫn bị tàn phá để lấy đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các chính sách đưa ra chưa tạo được nguồn lực đủ mạnh để tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng và sống được bằng nghề rừng.
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ NN&PTNT được giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc giai đoạn từ nay tới năm 2020.
Theo đó, Nghị định này quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng, lâm sản ngoài gỗ và phát triển sản xuất gắn với xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đối tượng là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú tại các xã khó khăn vùng dân tộc và miền núi và cộng đồng dân cư thôn (có từ 70% hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số trở lên) có tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Các hộ gia đình này sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoán bảo vệ rừng với mức 400.000 đồng/ha/năm (quy định hiện hành là 200.000 đồng) khi nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã đang quản lý. Nhà nước hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng theo 2 mức tác động: 1 triệu đồng/ha/năm cho thời gian 6 năm đối với khoanh nuôi đơn giản; và mức 2 triệu đồng/ha/năm cho 3 năm đầu và 1 triệu đồng/ha cho 3 năm tiếp theo.
Nhà nước cũng hỗ trợ trồng rừng sản xuất lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Nếu rừng trồng có loại cây khai thác chính sau 10 năm tuổi được hưởng mức 10 triệu đồng/ha; và cây khai thác chính dưới 10 năm tuổi được hưởng mức 6 triệu đồng/ha. Ngoài hỗ trợ trực tiếp, Nhà nước cũng hỗ trợ gián tiếp thông qua ngân hàng bằng việc cấp bù 100% lãi suất đối với trồng rừng sản xuất và chăn nuôi.
Dự thảo Nghị định cũng n quy định trợ cấp gạo hoặc tiền mặt tương ứng đối với trồng rừng trên diện tích đất nương rẫy chuyển đổi. Mức hỗ trợ là 700kg gạo/ha/năm, tổng diện tích hỗ trợ không quá 3 ha và thời gian hỗ trợ không quá 7 năm.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, những năm qua, tốc độ giảm nghèo ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đạt trên 5%/năm, cao hơn chỉ tiêu 4%/năm. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn, có nơi tỷ lệ hộ nghèo lên tới 50%. Phó Thủ tướng cho rằng, bảo vệ, phát triển rừng là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững. Yêu cầu chung khi xây dựng chính sách này là phải đủ mạnh, không mâu thuẫn với các chính sách khác.
Đi vào những nội dung cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng dự thảo nên quy định đối tượng thụ hưởng chính sách là tất cả người dân sống trên địa bàn miền núi có tham gia bảo vệ rừng mà
không cứ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình với mức hỗ trợ mà dự thảo Nghị định quy định; đồng thời cho rằng cần khuyến khích bà con tận dụng đất rừng để phát triển sản xuất và chăn nuôi với mức hỗ trợ cấp bù 100% lãi suất.