Sẽ có hàng rào kỹ thuật đổi mới việc nhập khẩu công nghệ cũ

27/08/2015 00:00

(TN&MT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ ban hành Thông tư sửa đổi của Thông tư 20 quy định về nhập máy móc, dây chuyền công nghệ cũ sau khi đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành và doanh nghiệp.

Năm 2014, Bộ K&HCN đã xây dựng Thông tư 20 Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, do cơ chế phối hợp chưa tốt nên dẫn đến việc khi Thông tư chưa có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp kêu khó và kiến nghị lên Thủ tướng. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&CN lùi thời gian thực hiện Thông tư 20 và tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, việc tồn tại một Thông tư khi nội dung Thông tư này liên quan tới quá nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, trong khi mỗi ngành, mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các Thông tư và quy định của các ngành khác nếu thực hiện tốt cũng có thể điều chỉnh được việc nhập khẩu máy móc chứ không cần đến thông tư 20.

Song, tại Hôi thảo góp ý cho Thông tư 20 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Luật Thương mại, Bộ KH&CN đã cùng với các Bộ, ngành xây dựng Thông tư để hạn chế, quản lý việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (gọi chung là thiết bị cũ). Điều này rất cần thiết, bởi nếu Việt Nam không quản lý sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị cũ về sau, đưa vào sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và gây mất an toàn cho nền kinh tế. Việc ban hành Thông tư sẽ góp phần kiểm soát việc nhập thiết bị cũ và đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam chuẩn bị ký Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do với châu Âu…

Bộ KH&CN sẽ ban hành Thông tư quy định về nhập máy móc, dây chuyền công nghệ cũ. Ảnh: MH
Bộ KH&CN sẽ ban hành Thông tư quy định về nhập máy móc, dây chuyền công nghệ cũ. Ảnh: MH

Theo đó, Việt Nam sẽ tuân thủ luật lệ của các hiệp định và bước vào sân chơi chung, khi các hàng rào thương mại thuế quan không còn, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với nước phát triển.

Nếu Việt Nam dùng thiết bị cũ sẽ không thể có được những sản phẩm tốt, giá thành hạ để có thể cạnh tranh với hàng hóa của nước ngoài. Vì thế, Chính phủ cần phải có những biện pháp và Thông tư để quản lý nhập khẩu thiết bị cũ.

Quá trình xây dựng thông tư, Bộ KH&CN đã lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp và tham vấn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, mong muốn của các Bộ, ngành thời điểm đó là Việt Nam phải kiểm soát thật chặt việc nhập khẩu các thiết bị cũ bằng việc đưa ra những tiêu chuẩn thiết bị không được quá 5 năm sử dụng, thiết bị phải còn chất lượng trên 80%. Phải đáp ứng được 2 yêu cầu trên, doanh nghiệp mới được nhập khẩu, chưa kể đến việc giám định thiết bị nhập khẩu phải do các cơ quan có thẩm quyền chỉ định, các tổ chức giám định thực hiện, đánh giá chất lượng còn lại.

Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, trước thực tế kiến nghị của doanh nghiệp trước đây, Dự thảo của Thông tư mới đã tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đó là, tuổi thiết bị được nới từ 5 năm lên 10 năm. Trong những trường hợp đặc biệt, các Bộ quản lý lĩnh vực có thể quyết định thời gian cao hơn cho phù hợp.

Việc giám định chất lượng còn lại chuyển sang quản lý theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, theo đó thiết bị được đánh giá trên cơ sở dù là sản xuất ở đâu cũng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, hoặc nếu Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật đó, phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của các nước G7 và tương đương. Đồng thời, Bộ đã đơn giản hóa tối đa các thủ tục thông quan, đó là nếu như chưa có đầy đủ giấy tờ chứng minh tuổi thiết bị, cũng như tiêu chuẩn sản xuất vẫn có thể được đưa về kho bảo quản, trong thời hạn quy định của Luật Hải quan sẽ được thông quan khi nộp lại các giấy tờ giám định tuổi thiết bị cũng như tiêu chuẩn sản xuất của thiết bị, chứng thư giám định có thể do các tổ chức của Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện.

Dự thảo Thông tư mới cơ bản giải quyết được 5 vấn đề các doanh nghiệp băn khoăn, trong đó băn khoăn lớn nhất của các doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp này khi có dự án đầu tư vào Việt Nam đều có thể di chuyển thiết bị cũ của mình vào Việt Nam, nếu trong dự án đầu tư có ghi danh mục dây chuyền công nghệ mà họ di chuyển từ nước khác sang và đã được các cơ quan cấp phép đầu tư hay cơ quan có trách nhiệm thông qua, phê duyệt. Trường hợp, các doanh nghiệp FDI không đưa vào hồ sơ dự án để được phê duyệt, vẫn phải theo quy định của thông tư mới.

Dự thảo cũng quy định doanh nghiệp cam kết khai báo thiết bị, còn các cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm về chứng thư giám định thiết bị. Nếu cơ quan chức năng phát hiện có sự gian dối trong khai báo hoặc “chạy” các chứng thư giám định sẽ yêu cầu tái xuất và các doanh nghiệp phải tự chịu mọi chi phí và bị xử phạt hành chính.

 Minh Thư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có hàng rào kỹ thuật đổi mới việc nhập khẩu công nghệ cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO