Sạt lở tấn công đồng bằng sông Cửu Long giữa mùa khô

22/03/2017 00:00

(TN&MT)- Do biến đổi khí hậu và suy giảm trầm tích phù sa, ngay giữa mùa kiệt khắp các địa phương ven biển phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp. 

Uy hiếp nhiều vị trí toàn tuyến bờ biển phía Đông

Ngay từ đầu mùa khô, sóng biển đã tấn công gây sạt lở ở nhiều vị trí trên toàn tuyến bờ biển phía Đông từ chóp mũi bán đảo Cà Mau như Năm Căn (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu) tới Duyên Hải (Trà Vinh), Ba Tri (Bến Tre) và Gò Công Đông (Tiền Giang).

Nhiều rặng phi lao ven biển Duyên Hải (Trà Vinh) bị sóng cuốn trôi.
Nhiều rặng phi lao ven biển Duyên Hải (Trà Vinh) bị sóng cuốn trôi.

Sóng biển đã và đang làm sạt lở trầm trọng thêm những vị trí đã diễn ra từ mấy năm nay. Đơn cử như những khu vực như Vàm Xoáy, Khai Long, Rạch Góc, Hố Gùi (Cà Mau) tiếp tục bị sạt lở lan rộng, có vị trí kéo dài trên 1.000m, xâm thực sâu vô đất liền hàng trăm mét, nhiều mảng rừng phòng hộ tiếp tục bị cuốn mất.

Tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu, từ đầu tháng 2 đến nay tuyến đê kè ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải) đã bị sạt lở gần 1.000m2 (dài trên 90m, xâm thực vô bờ trên 10m), tuyến đê kè ven biển Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) bị vỡ dài 24m và nhiều đoạn bị nứt, sụp, lún đang có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở và có hơn 8.000 người dân thuộc thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở, triều cường cao gây hư hỏng tài sản, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Sóng biển cũng đã ập vào khu vực bãi biển Hiệp Thạnh (xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) tiếp tục cuốn phăng những hàng phi lao hơn 15 năm tuổi. “Hơn chục năm trước bãi biển ở cách nhà hơn 1 km và có tới 3 động cát lớn. Tuy nhiên, sóng biển cứ đánh dần dần giờ tới sát nhà, hàng phi lao có cây người lớn ôm mới giáp mà giờ bì sóng biển đánh ngã rất nhiều” - Bà Lê Thị My, nhà ở sát bãi biển thuộc ấp Bào (xã Hiệp Thạnh), lo lắng nói.

Bờ biển ở Bến Tre bị sạt lở.
Bờ biển ở Bến Tre bị sạt lở.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh - Hồ Quốc Triều, ngoài chuyện mất mùa màng, mất hàng trăm héc-ta rừng phi lao… thì sạt lở làm mất rất nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hiện tại có nhiều hộ vẫn còn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thể canh tác được do đất của họ đã bị sạt lở hết chỉ còn là mặt nước biển.

Nhiều hộ dân khốn khổ…

Tiếp giáp với Trà Vinh, bờ biển tỉnh Bến Tre đang hứng chịu tình trạng sạt lở rất trầm trọng. Giữa tháng 2, cơn sóng biển cuồn cuộn đã ập vào Cồn Ngoài, ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, cuốn phăng cả đường dây điện trung thế, làm sập nhà, hủy hoại nhiều ruộng, vườn hoa màu. Ông Nguyễn Văn Ngoạt, người bản xứ, cho biết đây là lần đầu tiên ông chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của sóng biển.

“Buổi chiều hôm đó thấy triều cường dâng cao lại có sóng, gió rất lớn nên vợ chồng tôi bỏ nhà ở ven biển để vào nhà đứa con ở sâu phía trong ngủ tạm và sáng ra thì căn nhà của tôi đã bị sóng biển đánh sập, cuốn mất nhiều đồ đạc bên trong” - Ông Ngoạt, kể lại. Ông Ngoạt cho biết khi xây dựng căn nhà của ông cách bãi biển gần 1km.

E

Nhà xây dựng kiên cố của người dân ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre) bị sóng cuốn sập.

Ở bãi biển Tân Thành, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) nhiều hộ dân cũng đang khốn khổ vì bị sóng biển tấn công cuốn mất đất đai, nhà cửa. Trong số đó, có ông Lê Minh Pha, ngụ ấp Cầu Muống, đã 3 lần phải dời nhà chạy sạt lở. “Trước đây căn nhà tôi cất nằm tuốt ở trong cách bãi biển cả trăm mét nhưng sóng biển đã lấn vô làm sạt lở nên tôi phải di dời nhà liên tục. Mới năm rồi căn nhà tường kiên cố cũng bị sóng biển phá hỏng giờ chỉ còn bức tường và nền gạch” - Ông Pha, nói. Sau khi căn nhà bị hư hỏng không thể ở được nữa, ông Pha nhận 6 triệu đồng tiền hỗ trợ từ phía chính quyền rồi chuyển qua nhà của người anh ruột cách đó khoảng 10m ở đậu nhưng chẳng được bao lâu thì sóng biển giờ đây đã đuổi sắp tới nơi. Trước mắt, ông Pha chưa biết có thể đi về đâu.

“Nếu không có giải pháp khẩn cấp sạt lở ngày càng lấn sâu vào đất liền sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 38.000ha đất sản xuất và hàng trăm ngàn hộ dân sinh sống trong vùng ngọt hóa Gò Công” – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang - Nguyễn Thiện Pháp, nói. Ông Pháp cho hay toàn tuyến đê biển Gò Công (khoảng 17km) đều đã và đang bị sạt lở đe dọa, bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền 8-10m và đã làm mất hàng chục hecta rừng phòng hộ.

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ tiền xây kè, di dời dân cư…

Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp và có biểu hiện ngày càng trầm trọng, chính quyền và cơ quan chức năng các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang đang tất bật việc khảo sát thực tế, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng khắc phục khó khăn, đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó.

Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành việc xác định vành đai sạt lở, cắm mốc và biển báo khu vực, vị trí có nguy cơ sạt lở để người dân có ý thức cảnh giác bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, đồng thời đề xuất, phạm vi khu vực cần tổ chức sơ tán dân, di dời các cơ sở sản xuất, nhà cửa, vật kiến trúc để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, sức khỏe của nhân nhân. Tỉnh Trà Vinh đang tổ chức di dời dân cư vào sâu trong đất liền, khoảng 600 hộ dân, ở khu vực bờ biển xã Hiệp Thạnh dài 8,5km, đang từng bước được di dời vào sâu phía trong đất liền, ở đó tuyến dân cư mới đang hình thành đồng thời chính quyền cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng 3km bờ kè kiên cố và gần 1,8km kè mềm kết hợp trồng rừng. Trong khi đó, tỉnh Bến Tre, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận - Trần Văn Lâm, đang kiến nghị huyện Ba Tri lập đoàn khảo sát để di dời dân khỏi vùng nguy hiểm ở khu vực Cồn Ngoài và đầu tư triển khai xây dựng kè mềm kết hợp trồng rừng để hạn chế sạt lở ở khu vực này.

Cùng việc di dời dân tránh xa vị trí xảy ra sạt lở, chính quyền các tỉnh đang đề nghị trung ương hỗ trợ đầu tư triển khai thực hiện các giải pháp công trình để ngăn chặn sạt lở ngày càng trầm trọng hơn. Từ cuối năm 2015, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 400 tỷ đồng đầu tư kè đê biển Gò Công ở những đoạn xung yếu và trước đó địa phương cũng đã triển khai dự án kè mái chống sạt lở hơn 6,3km nhưng đến nay thi công được 5,3km thì sạt lở vẫn lấn sâu nên tiếp tục nâng chiều dài kè lên 10km. Tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục xin Trung ương hỗ trợ kinh phí kè kiên khoảng 10,3km ở những khu vực trọng yếu thuộc thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải vì dự án kè kiên cố được triển khai nhiều năm qua nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành được khoảng 5,6km do thiếu kinh phí. Còn tỉnh Bạc Liêu cũng đã có tờ trình kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương xem xét hỗ trợ 340 tỉ đồng để khắc phục và nâng cấp các đoạn đê kè Gành Hào (huyện Đông Hải), đề kè Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) bị sạt lở, giúp người dân ven biển an tâm sinh sống.

Hùng Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sạt lở tấn công đồng bằng sông Cửu Long giữa mùa khô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO