Rừng xanh Yên Thế: Bỏ ra 600 triệu thuê được hơn 13 triệu m2 đất và rừng

02/10/2017 00:00

(TN&MT) – Ngày 27/9/2017 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã cho công bố báo cáo về việc kiểm tra, rà soát hoạt động, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và đơn...

(TN&MT) – Ngày 27/9/2017 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã cho công bố báo cáo về việc kiểm tra, rà soát hoạt động, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp và đơn thư có liên quan tới một số cá nhân, tổ chức và UBND huyện Yên Thế sau loạt bài phản ánh của Báo TN&MT.
 
Giá cho thuê như … biếu không 
 
Cách đây hơn 6 năm, ngày 13/7/2011, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 254/QĐ-UBND thu hồi đất lâm nghiệp và rừng gắn liền với đất cho Công ty Cổ phần ĐTXD&TM Trường Lộc (Công ty Trường Lộc) thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp tại huyện Yên Thế với tổng diện tích là 1.394,9ha để thực hiện Dự án đầu tư phát triển rừng bền vững. Số diện tích này phân bố ở 3 xã là Đồng Tiến 538,28ha, Canh Nậu 615,34ha và Xuân Lương 196,28ha. 
 
Báo cáo của tổ kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng đất và rừng tại Yên Thế do Phó Giám đốc sở TN&MT tỉnh Bắc Giang làm trưởng đoàn
Báo cáo của tổ kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại Yên Thế do Phó Giám đốc sở TN&MT tỉnh Bắc Giang làm trưởng đoàn
 
Tới ngày 17/8/2015, UBND tỉnh Bắc Giang đã cho thu hồi 270,44ha đất và rừng đã cho Công ty Trường Lộc thuê để giao cho UBND xã Đồng Tiến quản lý. Lúc này, diện tích công ty Trường Lộc sau khi bị thu hồi còn 1.124,6ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên, khoanh nuôi bảo vệ là 769,29ha, phần diện tích 355,17ha còn lại thuộc quy hoạch trồng mới trên đất trống. 
 
Trải qua nhiều năm thực hiện Dự án, mặc dù được tỉnh Bắc Giang ưu ái khá nhiều nhưng theo tìm hiểu của PV, toàn bộ phần diện tích đất rừng tự nhiên tại xã Xuân Lương, Công ty Trường Lộc vẫn chưa thanh toán đầy đủ cho người dân tiền công bảo vệ, khoanh nuôi, chăm sóc rừng khiến 14 hộ dân bức xúc làm đơn khiếu kiện. Công ty Trường Lộc còn không thực hiện đúng theo Quyết định của UBND tỉnh về việc lập phương án bồi thường tài sản của người dân đã đầu tư trên đất nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ. Ngoài ra, đối với diện tích 98,23ha mà người dân xã Bình Long, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đang sử dụng công ty chưa thống nhất được phương án bồi thường tài sản nên chưa triển khai trồng rừng. 
 
Bên cạnh đó, Công ty Trường Lộc còn sử dụng diện tích khoảng 4ha đất tại xã Đồng Tiến để làm văn phòng, số diện tích này nằm ngoài Quyết định cho thuê của UBND tỉnh. Và mặc dù không phải là đất được tỉnh Bắc Giang cho thuê nhưng Doanh nghiệp này ngang nhiên lấy 3,4ha đất rừng rồi ký hợp hợp đồng trồng rừng, chia lợi nhuận với ông Phan Văn Tuệ trú tại bản Trại Mới, xã Đồng Tiến.  
 
Không những vậy, Công ty Trường Lộc còn chưa tiến hành ký hợp đồng thuê đất, chưa thiết lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSD đất theo quy định pháp luật mặc dù Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần đôn đốc bằng văn bản nhưng Công ty vẫn “phớt lờ” không thực hiện. 
 
Đối với giá tiền thuê đất, theo Quyết định số 155/QĐ-STC ngày 15/5/2011 của Sở Tài Chính Bắc Giang thì mỗi 1m2 đất mà Doanh nghiệp này thuê phải nộp chỉ có… 43,2đ/m2/năm trên diện tích 1394,9ha.
 
Chưa thấy bản báo cáo nói về trách nhiệm của các cá nhân trong việc để cho rừng Yên Thế bị tàn phá
Chưa thấy bản báo cáo nói về trách nhiệm của các cá nhân trong việc để cho rừng Yên Thế bị tàn phá
 
Chưa hết, Công ty Trường Lộc còn làm đơn xin miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất trồng rừng sản xuất và được Cục trưởng Cục thuế Bắc Giang ký quyết định số 2575/QĐ-CT đồng ý miễn số tiền thuê đất hơn 7,7 tỷ đồng, thời hạn tạm miễn là 15 năm (từ tháng 9/2011 đến hết tháng 8/2026).
 
Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, hiện công ty Trường Lộc vẫn chưa thực hiện nộp ngân sách phí đo đạc bản đồ theo Nghị quyết số 11/2007/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bắc Giang với số tiền hơn 4 tỷ đồng. 
 
Trao đổi qua điện thoại với PV về giá thuê đất rừng, ông Ngô Xuân Trường - Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Lộc cho rằng giá đất mà UBND tỉnh cho công ty thuê như vậy vẫn cao vì diện tích đất trồng rừng sản xuất của công ty chỉ gần 400ha còn lại là rừng khoanh nuôi bảo vệ, công ty phải đầu tư nhiều kinh phí để chăm sóc.
 
Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra
 
Trước đó, Báo TN&MT đã phản ánh về tình trạng phá rừng tự nhiên trên địa bàn các xã Xuân Lương, Canh Nậu và Đồng Tiến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang). Theo điều tra của PV, đa phần diện tích rừng bị phá trên thuộc sự quản lý của Công ty Cổ phần ĐTXD&TM Trường Lộc được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê, phần còn lại thuộc sự quản lý của địa phương và của 1 số hộ gia đình nhận chăm sóc, bảo vệ.
 
Việc buông lỏng quản lý trong việc trông coi bảo vệ rừng của Công ty Trường Lộc là có thật nhưng Công ty này vẫn lu loa gửi đơn tới Bộ TN&MT tố cáo Báo TN&MT viết sai sự thật
Việc buông lỏng quản lý trong việc trông coi bảo vệ rừng của Công ty Trường Lộc là có thật nhưng Công ty này vẫn lu loa gửi đơn tới Bộ TN&MT tố cáo Báo TN&MT viết sai sự thật
 
Sau khi báo nêu, đại diện Chi cục kiểm lâm Bắc Giang cho biết tình trạng phá rừng Báo TN&MT nêu ra là có thật. Qua kiểm tra thực địa và xác định trạng thái rừng thì có tổng số hơn 6ha rừng (số liệu Hạt Kiểm lâm Yên Thế cung cấp cho phóng viên là hơn 20ha) bị tàn phá có hơn 2ha thuộc sự quản lý, chăm sóc và bảo vệ của Công ty Trường Lộc, phần còn lại thuộc UBND các xã và của một số hộ dân nhận chăm sóc.
 
Giải thích vì sao có sự chênh nhau rất lớn về số liệu rừng bị phá. Ông Phạm Văn Hiền – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thế cho biết: Khi tôi cung cấp số liệu cho PV Báo TN&MT thì đó chỉ là thông tin do hai tổ công tác của Hạt sau khi đi kiểm tra thực tế về báo cáo, tổng hợp lại. Tuy nhiên sau khi rà soát thì tôi đã “gạt ra” ngoài hơn 13ha vì hiện trạng chỉ là đất trống hoặc cây tái sinh nên không được xác định là rừng. Chính vì vậy tôi mới không đưa vào nội dung bản báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang(?!).
 
Đại diện UBND huyện Yên thế là ông Thân Minh Sâm – PCT huyện khẳng định nội dung Báo TN&MT nêu về tình trạng phá rừng là có thật, số liệu diện tích rừng bị phá được đăng tải là do phóng viên lấy từ cơ quan nhà nước chứ không phải do phóng viên tự nghĩ ra. Ông Sâm cho rằng không ở đâu có rừng lại không bị phá, chỉ là phá như thế nào, mức độ ra làm sao. Ngoài ra ông Sâm nhận định bài báo khai thác đề tài theo hướng có sự tiêu cực, buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý trên địa bàn.
 
Chia sẻ với PV, rất nhiều người dân huyện Yên Thế băn khoăn không hiểu vì sao trong khi dân thiếu đất để trồng rừng tiến nhưng UBND tỉnh Bắc Giang lại cho doanh nghiệp thuê đất và rừng với giá vô cùng rẻ mạt trên phần diện tích lớn như vậy?. Phải chăng có “nhóm lợi ích” ở dây?.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
 
Doãn Hưng – Vi Hải
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng xanh Yên Thế: Bỏ ra 600 triệu thuê được hơn 13 triệu m2 đất và rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO