(TN&MT) – Chỉ trong khoảng thời gian 01 năm (từ 2016 – 2017) hàng chục héc ta rừng trên địa bàn huyện Yên Thế được UBND tỉnh Bắc Giang cho một doanh nghiệp thuê, quản lý, chăm sóc đã bị chặt hạ tan nát không thương tiếc. Điều đáng nói là tình trạng phá rừng này vẫn đang ngày ngày diễn ra công khai trước sự bất lực khó hiểu của kiểm lâm và chính quyền.
Chỉ trong hơn 1 năm, hàng chụ chéc ta rừng bị chặt hạ không thương tiếc |
Máu “rừng” đang chảy
Từ những cuộc điện thoại kêu cứu của người dân các xã Xuân Lương, Canh Nậu và xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) gọi đến số đường dây nóng Báo TN&MT. Nhóm phóng viên đã tìm về địa phương để ghi nhận tình trạng phá rừng tại đây khiến người dân bức xúc, xót xa cho những cánh rừng xanh bạt ngàn đang có.
Mất khoảng 2 tiếng đồng hồ đi xe máy từ trung tâm huyện để đến được địa điểm mà người phản ánh với những cung đường ghồ ghề, gập ghềnh rất khó đi. Điểm đầu tiên chúng tôi có mặt là khe Bà Tang thuộc rừng Nhoan, bản Đồng Cả, xã Canh Nậu. Hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh rừng bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Khu vực bị chặt phá này ước chừng khoảng 2 ha chủ yếu là những loại gỗ như Xoan Tranh, Xoan Nhừ, Táu với đường kính xấp xỉ khoảng 30 - 40cm bị lâm tặc cưa sát gốc cây. Ngoài ra, có những cây đường kính lên tới 80 - 90 cm bị chặt hạ nằm dưới đất chưa vận chuyển đi được.
Dưới cái nắng oi ả, gay gắt chúng tôi tiếp tục băng qua dưới những tán rừng để đi sang khu vực khe Tổ Ong vẫn thuộc rừng Nhoan. Hiện trạng khu rừng nơi đây là hàng nghìn m2 rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi bảo vệ bị lâm tặc chặt phá trơ trọi. Theo như người dẫn đường cho chúng tôi cho biết thì từ đầu năm 2017 khoảng hơn 2ha rừng tái sinh, khoanh nuôi bảo vệ và rừng xen kẽ đã bị đốn ngổn ngang, cháy trơ trụi, nhiều cây gỗ to còn nguyên vết cưa xẻ để lại những quả đồi trọc trông rất nham nhở.
Những cánh rừng biến mất ngày một nhanh trong sự "bất lực" của các cơ quan chức năng |
Tiếp tục băng qua những vạt rừng để đi vào khu Ngạc 2 và Ngạc 3 thuộc rừng Nhoan, cũng là địa điểm mà lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực này các cây rừng tự nhiên bị chặt hạ la liệt, trơ gốc cây, các vết cưa vẫn còn mới. Theo như người dân bản địa sống ở đây cho biết thì tổng diện tích khu rừng Nhoan bị chặt phá ước chừng khoảng 12ha chủ yếu là rừng tự nhiên và rừng tái sinh khoanh nuôi bảo vệ. Sau khi đốn cây xong, lâm tặc vận chuyển gỗ ra bãi tập kết rồi cho trâu kéo hoặc ô tô gầm cao vào tận nơi để chở đi men theo chân rừng để mang đi tiêu thụ.
Đó chỉ là một trong những điểm mà nhóm PV đi khảo sát, ghi nhận về tình trạng phá rừng trên địa bàn các xã huyện Yên Thế đang khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc trước sự hoành hành của lâm tặc và sự bất lực của các cơ quan chức năng.
Điều tra thêm, PV được biết tại bản Đồng An, xã Đồng Tiến trong khoảng thời gian từ năm 2016 – 2017 tổng cộng có khoảng 17,7 ha rừng bị phá, phát thực bì, cuốc hố để trồng keo, bạch đàn tại lô 1 và lô 2 khoảnh 1 bao gồm cả rừng tự nhiên trạng thái II A, IIB. Còn tại bản Chay, xã Canh Nậu đã bị lâm tac chặt phá tổng cộng 2,7 ha rừng tự nhiên thuộc lô 2, khoảnh 1 là 1,3ha và lô 2 khoảnh 5 khoảng 1,4ha. Ngoài ra là tại bản Xoan, xã Xuân Lương tại các lô 9, khoảnh 2; lô 13, khoảnh 3 và lô 126 khoảnh 2 diện tích rừng tự nhiên bị phá gần 2ha.
Được biết, toàn bộ những phần diện tích rừng bị phá trên thuộc sự quản lý của Công ty Cổ phần ĐTXD&TM Trường Lộc được UBND tỉnh Bắc Giang cho thuê theo quyết định số 254/QĐ-UBND ngày 13/7/2011 với tổng diện tích 1.394,9ha rừng và một phần diện tích bị phá thuộc sự quản lý của địa phương và của 1 số hộ gia đình nhận chăm sóc, bảo vệ.
Phản ánh về tình trạng phá rừng với Hạt kiểm lâm Yên Thế, ông Phạm Văn Hiền – Hạt trưởng hạt kiểm lâm thừa nhận có tình trạng phá rừng diễn ra như vậy. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp thông tin chi tiết thì ông Hiền từ chối bảo PV cứ để lại nội dung và sẽ làm việc vào buổi khác.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ phóng viên, ông Hà Minh Quý – Chi cục Trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Giang rất bất ngờ trước những hình ảnh phá rừng tại Yên Thế. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Hạt kiểm lâm Yên Thế kiểm tra ngay và sẽ có thông tin phản hồi lại cho quý Báo – ông Quý cho biết.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng chặt phá rừng rầm rộ diễn ra trong một thời gian dài như vậy mà các cơ quan chức năng nơi đây lại không hề hay biết và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Phải chăng lực lượng chức năng được giao quản lý rừng nơi đây đã bị “tê liệt” khiến cho lâm tặc tự do chặt phá, khai thác?.
Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.
Mạnh Hưng – Vi Hải