Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc: Dân mong được giao đất, giao rừng

22/09/2016 00:00

(TN&MT) - Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) do Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường (BQLRPHBVMT) Hồ Núi Cốc quản lý nhưng phần lớn diện tích cây...

(TN&MT) - Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) do Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường (BQLRPHBVMT) Hồ Núi Cốc quản lý nhưng phần lớn diện tích cây cối là do dân tự bỏ vốn trồng. Vì vậy, người dân bản địa hy vọng được Nhà nước giao đất, giao rừng phòng hộ cho họ tự quản lý.
 
Người trồng rừng gặp khó
 
Theo Quyết định số 3123 ngày 27/12/2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt số liệu giao rừng cho tổ chức Nhà nước và lực lượng vũ trang trên địa bàn, theo đó, Ban QLRPHBVMT Hồ Núi Cốc được giao quản lý và bảo vệ hơn 2 nghìn ha. Còn lại, trên 570 ha trong vùng xác lập rừng phòng hộ được giao cho 357 hộ dân thuộc các xã Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); Tân Thái, Lục Ba, Vạn Thọ (huyện Đại Từ) và xã Phúc Tân (TX. Phổ Yên) quản lý vì đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Sổ lâm bạ. 
 
Thực tế, trong hơn 2 nghìn ha rừng phòng hộ do Ban QLRPHBVMT quản lý, hàng chục năm nay, nhiều hộ dân đã tự bỏ vốn trồng và bảo vệ rừng. Nhưng vì nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ, nên các hộ dân có phần diện tích rừng này không được khai thác khi cây đến tuổi trưởng thành, gây khó khăn cho đời sống bà con.
 
Điển hình như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên) có tổng diện tích rừng trên 16 ha. Trong đó, có 3,6 ha rừng thuộc hộ gia đình chị Hiền nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ nhưng mãi đến tháng 6/2016, gia đình chị Hiền mới được biết Quyết định 3123  ngày 27/12/2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc giao rừng, giao đất cho Ban QLRPHBVMT Hồ Núi Cốc. Tuy vậy, diện tích đất, rừng của gia đình chị Hiền đang sinh sống, canh tác và bảo vệ rừng ổn định từ trước năm 1990 đến nay, không có tranh chấp với ai.
 
Chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ với phóng viên
Chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ với phóng viên
Nhưng khi xác lập vào khu vực rừng phòng hộ, diện tích trồng keo gia đình chị Hiền tự bỏ vốn trồng lại không được khai thác. Khiến những cây keo trồng quá 10 năm tuổi bắt đầu rỗng lõi, thối gốc, đổ gãy... Người dân sống phụ thuộc vào rừng vốn đã khó khăn trong việc tìm kiếm sinh kế, khi không được khai thác, cây keo khó khăn lại chồng chất khó khăn.
 
Khi được cấp phép khai thác, các hộ dân lại gặp phải vướng mắc về thủ tục hành chính, điều luật... khiến việc làm hồ sơ cấp phép mất khá nhiều thời gian và tiền bạc của người dân. Theo chị Nguyễn Thị Hiền, để hoàn thiện một bộ hồ sơ xin được khai thác cây keo trưởng thành, phải đi lại rất nhiều lần, tiêu tốn rất nhiều khoản phí. Do không am hiểu về thủ tục, trình tự cấp phép nên chị Hiền đã phải sang Phú Thọ thuê người làm hồ sơ với chi phí 3 triệu đồng/bộ. Dù vậy, hộ chị Hiền vẫn mất gần một năm mới được cấp phép, khai thác diện tích rừng phòng hộ, trong khi, nhiều hộ lân cận khác có khi phải mất 2 năm.
 
Sau nhiều năm kiến nghị lên chính quyền địa phương, cuối cùng người dân bản địa cũng được cấp phép khai thác diện tích trồng keo đã quá tuổi. Nhưng quá trình khai thác để trồng cây bản địa cũng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”, khi cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép khai thác yêu cầu người dân phải tiến hành thủ công như: dùng trâu kéo, khuân vác bằng… sức người. Một số người dân cho rằng, nếu bắt buộc khai thác thủ công theo đúng yêu cầu của cơ quan chuyên môn, số tiền chi phí bằng số tiền bán lâm sản. Vì thế, người dân sẽ không còn khả năng trồng lại cây bản địa theo yêu cầu của UBND tỉnh.
 
Mặt khác, việc thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng nhiều năm qua cũng diễn ra nhiều bất cập khiến nhiều hộ dân không thấy thỏa đáng. Hộ gia đình Nguyễn Thị Hiền cho biết thêm, năm 2013, gia đình chị được Ban QLRPHBVMT Hồ Núi Cốc gọi lên ký hợp đồng trông coi rừng phòng hộ. Theo đó, gia đình chị mới được hưởng 100.000 đồng/ha. Nhưng quá nhiều giấy tờ thủ tục, cộng thêm lý do đất ông cha để lại và tự bỏ vốn trồng rừng nên không chấp nhận trông thuê cho Ban QLRPHBVMT Hồ Núi Cốc. 
 
Bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế
 
Để giải quyết vấn đề này, năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chính sách cho phép tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan khai thác một số diện tích rừng trồng keo nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc để trồng thay thế bằng cây bản địa, như: mít, trám, sấu... Rõ ràng, chính sách này phù hợp với nguyện vọng của hầu hết các hộ dân có đất nằm trong vùng xác lập hoặc nhận giao khoán bảo vệ rừng. Đồng thời, đáp ứng được tiêu chí, chức năng của rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc tại địa phương, nhưng người dân sống phụ thuộc vào rừng nơi đây chưa thu được hoa lợi để phát triển cuộc sống từ rừng.
 
Ông Nguyễn Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu khẳng định, tại địa phương, có xảy ra những bất cập trên, đến nay, vẫn chưa được xử lý dứt điểm. 
 
Sau khi tiếp nhận đơn thư của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (xã Phúc Trìu) và nhiều hộ dân khác có diện tích rừng nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ, UBND xã đã có văn bản trình lên UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét và xử lý. Tuy vậy, đến nay, UBND xã vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi. Hy vọng, trong thời gian tới, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ có hướng đi đúng để giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn đang tồn tại giữa người dân và BQLRPHBVMT Hồ Núi Cốc.
 
Thiết nghĩ, trong thời gian tới chính quyền địa phương cùng Ban QLRPHBVMT Hồ Núi Cốc cần nâng cao hơn nữa vai trò, năng lực quản lý của mình. Đồng thời, tập trung hỗ trợ việc giao đất giao rừng công bằng cho người dân và hỗ trợ người dân phát triển sinh kế bền vững trên diện tích đất được giao. 
 
Bài và ảnh: Vũ Vân – Hoàng Minh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc: Dân mong được giao đất, giao rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO