Rừng phòng hộ đang bị thu hẹp bởi biến đổi khí hậu

21/04/2015 00:00

(TN&MT) - Bạc Liêu là một trong những tỉnh, thành của khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề từ xâm nhập mặn và nước biển dâng. Do vậy, việc phát triển và bảo vệ gần 5.500 ha rừng phòng hộ ven biển để chắn sóng, chắn gió và chống xói lở đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Diện tích rừng đang bị thu hẹp

Rừng phòng hộ Bạc Liêu nằm dọc theo tuyến đê biển Đông dài hơn 54km tiếp giáp từ địa phận tỉnh Sóc Trăng đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Đây là tuyến rừng phòng hộ sung yếu có vai trò rất quan trọng, không những bảo vệ hành lang lộ giới đê biển Đông, mà còn nhằm ngăn chặn triều cường dâng cao, sóng biển và thiên tai bất thường...

Theo số liệu báo cáo của ngành chức năng Bạc Liêu, toàn tỉnh có diện tích rừng phòng hộ trên 4.600 ha, so với năm 2009 thì diện tích rừng này giảm gần 400 ha, do bị sóng biển đánh, sói lở, mất đất, mất rừng, có đoạn xói lở ăn sâu vào rừng hàng chục mét, do những tác động ngày càng lớn bởi chịu ảnh hưởng chung của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Qua giám sát thực tế gần đây nhất, đoạn còn rừng nhiều nhất tính từ mé đê biển Đông ra biển khoảng 1,3km và nơi mỏng nhất chỉ còn 60m, như đoạn rừng dài khoảng 6km thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Vào năm 1997, đoạn rừng phòng hộ này dày dài 120 m, song sau 15 năm đoạn rừng đã giảm đi 50% và xu hướng còn đang tiếp tục giảm. Ngoài ra, đoạn đường dài khoảng 7 km, thuộc địa bàn thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải đang bị mất dần và hiện nay rừng rất mỏng. Nếu không có giải pháp ngăn chặn tình trạng mất rừng do sóng biển thì diện tích rừng phòng hộ của tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục giảm.

Một nguyên nhân nữa khiến diện tích rừng của bạc Liêu bị thu hẹp là do một số người đã phá rừng làm vuông nuôi tôm.Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 32 vụ vi phạm của người dân xâm hại nghiêm trọng đến đất rừng phòng hộ, trong đó có việc phá rừng làm vuông nuôi tôm như ở xã Long Điền Đông A (huyện Đông Hải). Đây là một trong những nguyên nhân gây xói lở đất và nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền.

Nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng

Với thực trạng trên, để phát triển bền vững và chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, nước biển dâng, người dân đã được tuyên truyền nâng cao ý thức, nêu cao trách nhiệm, chung tay bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Đông từ thành phố Bạc Liêu đến huyện Đông Hải.

Các ngành chức năng của tỉnh đã đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, quần chúng nhân dân những thông tin về tình hình BĐKH đang ngày một báo động, gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản, giúp người dân hiểu được tác hại của BĐKH ảnh hưởng đến cuộc sống con người hiện tại và tương lai nhằm ứng phó có hiệu quả nhất; cung cấp những thông tin chính xác và kịp thời đến người dân về những thay đổi bất thường của thời tiết và nước biển dâng qua các phương tiện như: loa, báo, đài, tờ rơi, trang website...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế và thúc đẩy hội nhập trong bảo vệ tài nguyên môi trường để kịp thời có thông tin, số liệu chính xác được cập nhật kịp thời liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác trong điều tra và nghiên cứu những đề tài khoa học đặt ra ở Biển Đông, cho khu vực và thế giới. Được sự giúp đỡ của Tổ chức hợp tác Quốc tế (GIZ), Bạc Liêu đã xây dựng dự án “quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ven biển” (GTZ) nhằm bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.

Nhị Giang

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng phòng hộ đang bị thu hẹp bởi biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO