Rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái hiệu quả nhất trên trái đất. Nó cung cấp một loạt các dịch vụ sinh thái và kinh tế xã hội có lợi cho hàng triệu người sống ở các khu vực ven biển. Hệ sinh thái rừng ngập mặn là môi trường nuôi dưỡng cho nhiều loài biển và ven biển; cũng là nguồn lương thực chính và thu nhập cho các cộng đồng ven biển.
Rừng ngập mặn được quản lý tốt, lành mạnh giúp bảo vệ bờ biển, tránh bão lụt và lũ lụt. Đồng thời, Rừng ngập mặn có tiềm năng lưu trữ các-bon đáng kể, góp phần chống biến đổi khí hậu.
Ảnh: IUCN |
Thế nhưng, rừng ngập mặn trên thế giới đang mất dần với tốc độ đáng báo động. Trong đó, Rừng ngập mặn ở Châu Á mất gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu với hơn 250.000 ha bị mất trong khoảng từ năm 2000 đến năm 2012. Mặc dù, rừng ngập mặn chiếm ít hơn 1% diện tích rừng nhiệt đới trên toàn cầu, nhưng chúng chiếm tới 10% tổng lượng phát thải do nạn phá rừng.
Nguyên nhân chủ yếu gây mất rừng và suy thoái rừng ngập mặn trong khu vực xuất phát từ việc khai thác cây quá mức sử dụng làm củi và sản xuất than; việc khai thác các loại đất sử dụng vào mục đích khác như nuôi tôm, trồng lúa, trồng rừng cọ…
Hiện nay, khả năng lưu trữ CO2 trong khí quyển của rừng ngập mặn đang ngày càng được công nhận ở cấp độ quốc tế với một số sáng kiến toàn cầu nhằm đảo ngược xu hướng biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp giảm thiểu khai thác rừng ngập mặn.
Một trong những cách tiếp cận đó là giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD +), thúc đẩy bảo tồn, quản lý rừng bền vững và tăng trữ lượng các-bon rừng.
Ảnh: IUCN |
REDD + tạo ra một giá trị tài chính cho lượng các-bon lưu giữ trong rừng. Khi các quốc gia quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn, tạo cơ hội phát triển bền vững các cộng đồng rừng địa phương thì có thể giảm mất rừng và suy thoái rừng. Sau khi được xác minh thông qua cơ chế REDD +, các nước có thể nhận được khoản thanh toán tài chính cho những phát thải này.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad), MFF đã khởi xướng một hợp phần mới nhằm mục đích đưa rừng ngập mặn trở thành chiến lược và quy trình quốc gia về REDD +. Trong giai đoạn khởi động một năm, từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, MFF sẽ làm việc với các nước thành viên để xác định cơ hội sử dụng các nền tảng và khung quản lý của MFF để hỗ trợ các nỗ lực ưu tiên của quốc gia và địa phương với trọng tâm nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý tốt hơn và bảo vệ rừng ngập mặn theo khuôn khổ REDD +.
Giai đoạn khởi động dự kiến sẽ đưa ra đề xuất cho Norad một dự án thí điểm kéo dài nhiều năm thực hiện các biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái ưu tiên ở một số quốc gia, đặc biệt chú trọng sử dụng năng lực hấp thụ các-bon cao của rừng ngập mặn.
MFF là một sáng kiến khu vực dựa trên sự cộng tác nhằm khuyến khích đầu tư vào bảo tồn hệ sinh thái ven biển để phát triển bền vững. MFF tập trung vào vai trò của hệ sinh thái ven biển lành mạnh và được quản lý tốt trong việc xây dựng khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển dựa vào hệ sinh thái ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Maldives, Myanmar, Pakistan, Seychelles, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Sáng kiến này sử dụng rừng ngập mặn như là một hệ sinh thái chủ đạo, nhưng MFF bao gồm tất cả các loại hệ sinh thái ven biển, như rạn san hô, cửa sông, đầm phá, bãi biển cát, cỏ biển và đầm lầy. |
Tuyết Chinh