Tuy vậy, phần lớn tài nguyên nước Việt Nam lại nằm ngoài khả năng quản lý của quốc gia này vì 2/3 tổng lượng nước chảy vào từ các quốc gia thượng nguồn, do đó, nguồn nước nội sinh của Việt Nam được đánh giá là thấp trong khu vực, mức bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 4.200 m3 so với con số trung bình là 4.900 m3 ở Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, với hơn 7.500 đập và hồ chứa, 4 triệu ha diện tích tưới, nông nghiệp là sinh kế của khoảng một nửa lực lượng lao động của đất nước và gia đình họ, đóng góp gần 1/5 thu nhập quốc gia. Thủy điện tạo ra khoảng 37% sản lượng điện của quốc gia. Đầu tư lớn đã tạo ra nguồn nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho các hộ gia đình. Việt Nam có truyền thống văn hóa mạnh mẽ thể hiện sự tôn trọng đối với nguồn tài nguyên nước quý giá và các con sông, suối, hồ làm đẹp cảnh quan đất nước cho con người và tự nhiên.
Với sự phát triển đô thị, công nghiệp hóa nhanh và mở rộng nền nông nghiệp, nhu cầu về nước sẽ tiếp tục gia tăng. Tài nguyên nước có nhiều nhưng không phải vô hạn.
Đặc biệt, với những gì đang diễn ra do tác động tiêu cực của thời tiết, nước lại là nhân tố có sức phá hủy lớn.
Ảnh minh họa |
Tổn thất do thảm họa thiên tai ở mức cao - 13.000 người chết và tổng thiệt hại về tài sản lên tới 6 tỷ đô la trong hai thập kỷ, tương đương với 1 - 1.5% GDP mỗi năm là một minh chứng. Những tổn thất này cho thấy, khả năng chống chịu của Việt Nam thấp. Trung bình, lũ quét cướp đi sinh mạng của 50 người mỗi năm. Một số đô thị và vùng sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập trong lũ lụt khoảng 3 m hàng năm. Ngoài ra, tình trạng hồ đập có nguy cơ mất an toàn với số lượng ngày một gia tăng đã gây ra những thảm họa lũ lụt, cướp đi sinh mạng của người dân trong vùng và gây tổn thất kinh tế nặng nề.Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, với hơn 70% dân số có nguy cơ chịu rủi ro do thiên tai về nước gây ra, Việt Nam là một trong các quốc gia hứng chịu thiệt hại do thiên tai nhiều nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Cùng với đó, một số tổn thất khác do việc chuyển đổi sử dụng đất và bất cập trong quản lý gây ra có xu hướng trầm trọng hơn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). BĐKH sẽ làm tăng tổng dòng chảy hàng năm không đáng kể nhưng tình trạng mưa nhiều hơn vào mùa mưa và ít hơn vào mùa khô cũng làm gia tăng sự biến đổi và gây thêm nhiều các hiện tượng khí hậu cực đoan. Các tác động tiêu cực có xu hướng khắc nghiệt hơn: nước biển dân lên tới 30 cm vào năm 2050, suy giảm dòng chảy sông tự nhiên, gia tăng sự phụ thuộc vào dòng chảy xuyên biên giới, gia tăng số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão, tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và gia tăng xâm nhập mặn.
Rủi ro lũ lụt gia tăng, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung, miền Nam. Một đánh giá về rủi ro lũ lụt gần đây dự báo lưu lượng đỉnh lũ lịch sử có chu kỳ lặp lại 500 năm sẽ xảy ra theo chu kỳ 20 năm hoặc ngắn hơn một nửa lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn 2026 - 2045. Nửa lãnh thổ Việt Nam từ Đà Nẵng trở vào phía Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Mà đỉnh điểm là những đợt mưa lũ, ngập lụt vừa qua tại miền Trung. Nguy cơ xảy ra lũ có chu kỳ 100 năm ở TP. Hồ Chí Minh được dự báo tăng từ 29% lên 46% trong giai đoạn 2026 - 2045.
Nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng của không riêng một quốc gia nào.